Ảnh minh họa - Internet
Lớp 6 C có hai đứa hấp, bọn trong lớp bảo thế. Đó là thằng Toan và thằng Bi. Hai đứa này tự dưng không thích những thứ đồ chơi có sẵn. Chúng bỏ hàng giờ hí hoáy làm diều sáo khi sắp sửa nghỉ hè, lúc thì hì hục với mấy chiếc đèn kéo quân vào dịp Trung Thu sắp đến.
Hấp là vì các thứ đồ chơi như vậy bán đầy ngoài phố. Xin mẹ muời nghìn là tha hồ chọn một chiếc diều Trung Quốc, có vẽ từ hình con lợn đến ông vua nuớc Tàu. Đèn kéo quân cũng thế. Hấp là vì để giành thời gian ấy đi chơi Game có hay hơn không?
Tuy nhiên bọn trong lớp chỉ chế giễu lúc không có mặt hai đứa, vì chúng là một cặp keo sơn dị tướng. Thằng Bi dám vật tay với đứa lớn hơn ở lớp 7 mà vẫn thắng. Vậy nên "chưởng" của nó phát ra chẳng tên nào dám đối. Thằng Toan nhỏ con hơn nhưng nó giỏi cả văn và toán, lẻo mép nữa, nên đứa nào "đầu bã đậu" đấu lưỡi với cu Toan là thiệt. Vì vậy chúng mặc kệ hai đứa nó, những chuyện thì thọt chỉ mách lẻo nhau ở chỗ khác. Bọn "hấp" bảo thế là nói sau lưng. "Nâu-met-tơ" nhá! Đấy là câu chúng bắt chước các thày cô, tiếng Anh nghĩa là "chẳng sao cả, chẳng vấn đề gì", sau đó cứ lờ-văn-tịt và làm những gì chúng thích.
Trêu vào hai đứa này là thiệt. Thế thật đấy. Ban đầu anh cu Tim hay chảy nuớc tai, loẻo khoẻo và nỏ mồm nhất lớp định khai truơng tờ "Nhật báo Tin Vịt", đã bị Toan ta trả đòn, khoác cho biệt danh "dũng sĩ thối tai" vì "một mình nó kéo cả lớp 6C lùi lại". Thế là biệt danh này gắn chặt lấy cu cậu, vì đúng là cô giáo có lần than thở rằng thành tích tháng ba của cả lớp bị tụt xuống, là do ba điểm hai của cu Tim nhà ta!
Còn cái Ly láu táu thì mang biệt danh "Trọng tài bốc", cũng do nhóm hai tên này đầu têu gọi ra. Chả là học tiếng Anh gần năm rồi mà con bé này chỉ đếm đuợc đến số 10 là tịt. Toan nó bảo "đếm đuợc đến 10 là thừa đủ để trở thành trọng tài quyền Anh, chưa ai thấy ông trọng tài nào đếm đến số 11 cả"
Của đáng tội "phân xưởng đồ chơi" của hai đứa cũng đáng để lũ trẻ tò mò. Chẳng biết chúng xin ở đâu mà có hẳn một chiếc diều "cựu chiến binh". Hai tên quả quyết rằng ngày xưa dân quân tỉnh Thanh Hoá đã thả những chiếc diều cà cộ như thế trên đỉnh núi, để cản máy bay Mỹ bổ nhào ném bom xuống cầu Hàm Rồng. Bọn trong lớp nửa tin nửa ngờ vì chả thấy trang sử nào dạy như vậy, mà hai tên "hấp háy" này còn lâu mới đuợc vào Thanh Hoá mà tham quan nhé. Tuy nhiên bác Tô thương binh, thường trực kiêm bảo vệ nhà truờng, ngày xưa là lính đặc công, bảo hai thằng ấy nói đúng đấy. Có khi chính bác ấy tặng chiếc diều cho hai đứa nó cũng nên.
Ngoài ra chúng còn có khối thứ mô hình kì lạ "trông mốc meo và cổ lỗ sĩ như các thứ trong Bảo Tàng ấy"- cái Ly ngứa luỡi lắm nhưng chỉ dám nói khẽ vào tai đứa bạn, vì lĩnh một biệt danh "Trọng tài bốc" cũng quá đủ với nó rồi.
Có điều đứa nào cũng phải công nhận rằng mấy chiếc đèn kéo quân của hai tên này quả thực là độc đáo. Chúng nhặt vỏ hộp bia nhôm, loại nhẹ nhất ấy. Dùng dao trích những đường dọc đều đặn, vặn vênh thành sáu hoặc tám cánh gió. Đục một lỗ nhỏ tẹo ở đáy, rồi úp hộp bia ấy lên trục xoay là que sắt mài nhọn một đầu.
Chỉ cần đốt một cây nến con tí, hoặc thắp bóng đèn pin là vỏ hộp bia đã xoay tròn quanh que sắt, tạo thành đèn kéo quân nếu vẽ trang trí các hình quanh vỏ hộp bia nhôm, ngay trong phòng không có gió. Còn đưa ra gió thì khỏi cần đèn lửa gì cả, cứ gọi là xoay tít mù nhá. Bác Tô còn hướng dẫn cho hai đứa nuớng mỏ hàn thiếc, hàn sáu chiếc gọng chĩa ra từ trục xoay. Dựa vào hai tầng gọng ở trên và duới trục, chúng tạo nên khung bao hình lục lăng bằng giấy bóng mờ, khiến các hình quay bên trong trở nên mờ ảo.
Nhờ có loại đèn kéo quân tự tạo này mà lớp 5C chiếm giải nhất trong cuộc thi "khéo tay hay làm" của nhà truờng tổ chức vào Trung Thu năm đó. Sau vụ đó thì thằng Ngân lớp truởng cũng xin gia nhập nhóm, kéo thêm cái Lan và chính thức trở thành "nhóm bốn tên".
Thằng Ngân là đứa có đủ tiền để mua Tiên nếu Tiên có bán. Bố nó là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của một Công ty Xi măng, chiều hai anh em nó hết ý. Các phòng để đồ chơi của anh em nhà nó còn rộng hơn nhiều, so với nhà ở của những đứa khác trong lớp.
Bác Tô nói số đồ chơi mà anh em thằng Ngân phá hỏng, tính từ lúc chúng lên hai cho đến lúc sáu tuổi, phải nhiều hơn số đồ chơi trong một khu vui chơi Thiếu nhi cấp huyện. Chả là bác ấy có họ hàng với nhà hai đứa nó, thường qua phụ giúp một số việc, nên bà mẹ chúng kể nhiều chuyện cuời ra nuớc mắt về hai cậu quý tử này.
Hồi cu Ngân lên bốn, thằng em lên một, nhà nó có một bà giúp việc mới. Hôm đầu tiên bà Ô-sin đến làm, mẹ nó có việc phải đến cơ quan, nên dặn bà ta rằng đồ chơi mới của cháu ở trong bao tải xanh, chị đem ra cho nó chơi. Đến trưa, lúc bố mẹ nó về ăn cơm thì bà giúp việc khóc rưng rức, mách rằng "cu Ngân đập gãy vỡ hết bao đồ chơi rồi. Tôi mải nấu cơm, không ngờ cậu ấy lại đập như thế".
Bà Ô-sin sợ bị đuổi việc nhưng bố nó bảo "trẻ con nghịch dại là thường, thôi không sao đâu". Mẹ cu Ngân cáu tiết lắm, phần cũng tiếc của, mới bắt thằng con đứng khoanh tay lại tra vấn:
-Ngân kia, tại sao lại đập vỡ đồ chơi?
-Em Nga khóc, đập vỡ cái ô tô thì nó thôi. Thế nên con phải đập nữa để nó khỏi khóc.
-Liệu còn thứ gì mày không làm hỏng nữa không, thằng kia?
- Còn cái búa của bố, mẹ ạ!- Cậu nhãi bốn tuổi hồn nhiên trả lời thế.
Đúng như thế thật, thằng cu dùng chiếc búa đinh của bố nó đập nát bét các loại xe cộ, búp bê, xoong nồi nhựa, siêu nhân... Bẹp và vỡ hết, nhưng chiếc búa thì chưa hỏng. Nó mà làm hỏng cả búa nữa thì chắc nền nhà cũng bét nhè!
Cũng chính cu Ngân này, khi cùng bố đến bệnh viện đón em bé mới đẻ, cu cậu nhìn ba đứa bé sơ sinh quấn tã như chiếc kén tằm, nó giật áo bố hỏi rằng "con búp bê nằm giữa kia khóc to thế thì phải lắp mấy quả pin hở bố?!"
Vậy mà bây giờ thằng Ngân lại bị cái nhóm tự chế tạo đồ chơi lôi kéo. Cậu chàng cũng tham gia trò "bảy miếng nghìn hình", tức là thi nhau dùng bẩy miếng gỗ có nhiều hình thù để lắp ghép thành các hình dạng yêu cầu. Cu cậu còn đòi bố mua cho nhóm một bộ lắp ráp rô- bớt để cùng nhau lắp ra những rô- bớt đơn giản với nhiều công dụng khác nhau.
Ngày nghỉ hè đầu tiên đã tới. Không chỉ nhóm bốn tên mà khá đông lũ bạn trong lớp cùng rồng rắn lên mây, hộ tống chiếc diều sáo và một cuộn bự dây ni lông to cỡ ngón tay út. Tất cả đi tắt ra đuờng bao duới sự chỉ huy của bác Tôn và thày giáo dạy môn Thể dục kiêm tiếng Anh, xem chiếc diều khổng lồ cất cánh.
Khối ông bố đưa con đi thả diều Tàu cũng xúm vào lao và kéo để chiếc diều bốc lên cao. Mọi người đứng nhìn chiếc diều tre cật, to bằng một bên cánh cửa xếp, bay lượn trên bàu trời cùng tiếng sáo o o đĩnh đạc, mới thấy rằng diều Việt Nam ta, dẫu là tác phẩm của trẻ con, mới thật là hùng vĩ. Những con diều Tàu thật tủn mủn, thảm hại như bọn Li-li-pit đứng bên cậu chàng Giu-li-ve.
Thày giáo tranh thủ nói với học trò những lời có cánh sau đây:
- Các em ạ. Tiếng Anh gọi đồ chơi trẻ con là toy. Rất có ý nghĩa đấy nhá. Nếu chỉ biết mua về thật nhiều đồ chơi cho trẻ em nghịch rồi phá hỏng thì đúng là toi. Toi tiền, toi thời gian, công sức, toi cả ý đồ phát triển tư duy sáng tạo cho bọn trẻ..
Tuy vậy đa số các cô cậu nhãi chỉ mải nhìn và kéo sợi dây diều. Trẻ con là vậy. Thày giáo cũng thôi lên lớp vì hiểu rằng lúc này mà giảng giải nhiều thì cũng... toi mà thôi.
Theo bản của dịch giả Ngọc Châu gửi tặng
|