Chương VII
Tháng Chạp năm 1972
Bàng bạc màu chì
Trời Hà Nội sà trên ngọn sấu
Sà trên mái ngói xanh rêu phố cổ
Chạm những vì sắt trên cầu Long Biên
Chạm ụ súng vừa nhú trên sân thượng
Sau đêm đào công sự, ngước nhìn lên.
Bần thần công viên
Hoa ơi, vẫn biết hoa vừa nở
Hái cũng không đành, mà tay ta phải nhổ
Bật gốc lên lấy đất đào hầm
Xin mắt hoa đừng nhìn ta như thế.
Và đây, chiếc ghế
Từng chứng kiến bao nụ hôn
Nồng nàn gặp gỡ
Bịn rịn chia ly
Thành kỷ niệm người ra đi
Nhưng ghế ơi, tay ta đành chuyển dời nơi khác
Trận địa phòng không đang cần đất.
Ơi cây bàng, cây sấu
Vì một khoảng trời cho nòng pháo
Lìa một vài cành
Biết là đau lắm màu xanh.
Và vỉa hè, xin lật hàng gạch lát
Vẫn biết có viên gạch từ cổ thành
Từng in dấu chân bao triều đại
Quý lắm, nhưng biết làm sao
Phải có căn hầm chở che người ở lại.
Rậm rịch đêm
Ngược chiều những đơn vị phòng không kéo về xây trận địa
Năm cửa ô mở ra năm ngả đường sơ tán
Âm thầm
Nhẫn nhục
Và nhếch nhác
Người đàn ông thở dài khi xe đạp bục lốp
Trút xuống một vùng đồ đạc, nồi niêu
Làm tắc đường đột ngột.
Người mẹ nào chạy gọi tìm con lạc
Nhói cả lòng đêm
Con bé nhà ai ngồi xuống đường mà khóc
Khi sực nhớ quên mang búp bê theo
Người mẹ dỗ dành chủ nhật về sẽ lấy.
- Nhưng đêm nay tàu bay Mỹ tới
Con đi rồi, ai đưa em xuống hầm?
Chẳng thể trả lời, người mẹ lặng thinh
Đứa trẻ đùng đùng chạy quay ngược lại.
- Này, các bác ơi
Giữ hộ cho tôi với!
Người mẹ vừa chạy theo vừa gọi.
Một chiếc xe kéo pháo hãm phanh
Một sĩ quan phòng không nhảy xuống
Ôm đứa bé vào lòng.
Chiến tranh có cách định giá trị riêng
Đèn tắt, cửa đóng
Nhà Hát Lớn còn duy nhất công dụng
Làm tháp nâng cao chùm còi báo động
Để tiếng còi cảnh báo loang xa
U oa… u oa… u oa…
Thời trang con gái Hà thành
Tấm áo nhuộm màu phòng không
Dây lưng to bản
Vừa tôn nét lưng ong vừa đeo bao đạn
Khẩu súng CKC chéo lưng
Đôi giày vải tím than
Duyên dáng sao
Và có thể chạy nhanh lên sân thượng
Nhập ụ súng khi nghe còi báo động.
Rơm vàng, rơm xanh
Không chịu nằm lơ thơ trên mẹt cốm làng Vòng
Mà theo năm cửa ô
Vào nội thành tết hương mùa màng làm mũ…
|
Ảnh: Phạm Duy Tuấn |
18 tháng 12
19 giờ 44 phút
Quả tên lửa đầu tiên vào cuộc
Mở màn “Điện Biên Phủ trên không”.
29 tháng 12
23 giờ 16 phút
Chiếc B52 cuối cùng
Đã rụng xuống, trả bầu trời Hà Nội
“ Lai-nơ-bếch-cơ “(*) thành mây khói
Cùng 34 pháo đài bay
Nhục nhã và đắng cay
Theo hàng lũ phi công vào ngục
Kẻ toan dạy người thành học trò đi học:
´Tinh thần đoàn kết quyết thắng của một dân tộc
Còn mạnh hơn mọi vũ khí trên đời”(**)
B52 rụng niềm tin nước Mỹ
Hà Nội lương tri, phẩm giá con người!
Thế kỷ qua
Thiên niên kỷ qua rồi
Chẳng dễ gì quên Những Ngày Tháng Chạp
Bom trộn trời vào đất
Đạn trộn ngày vào đêm
Báo động, báo yên
Bà ốm không kịp sơ tán
Đêm chín lần cháu cõng xuống, cõng lên
Anh thương binh cụt chân từ Tết Mậu thân
Một đêm chục lần tháo, lắp chân giả.
Còi Nhà hát tóe lửa
Loa phát thanh thất thanh
Những lời cuối chìm trong tiếng bom
Chẳng ai còn nghe nữa.
Người yếu, ngủ sẵn dưới hầm
Người còn sức thức với lửa
Cứu nhà cháy
Moi người sập hầm
Lùng bắt phi công…
Nhà máy điện từ lâu bom chúng phá
Đốt B52 làm đuốc giữa không trung!
Vinh quang chiến công
Không quên đau đớn:
Hơn bốn ngàn dân thường thiệt mạng
Gần năm ngàn ngôi nhà thành bãi bom…
Người dân xóm nhỏ An Dương
Giấc ngủ nối liền cái chết
Bom B52 rải vào nửa đêm
Sớm mai thi hài xếp dọc đê Yên Phụ
Mẹ chết rồi, con còn khóc đòi bú!
Bom rơi vào bữa cơm dân làng Uy Nỗ
Xác người tung lên cùng xoong nồi, bát đũa
Căn nhà thành toang hoác hố bom
Có người chết không còn xác
Có nhà chết, không còn ai mà khóc
Trong đêm đổ nát
Tiếng mẹ ơi hời bên xác con:
Chết mà chưa kịp ăn cơm!
Bom rơi vào bệnh viện Bạch Mai
Giết bệnh nhân trên giường cấp cứu
Nữ bác sĩ vừa gửi xong thiếp cưới
Bom vùi, kêu cứu dưới bê tông
Người yêu nghe, đồng nghiệp cùng nghe
Tay tướp máu bới cào không cứu được
Đưa người lên, chỉ đưa được xác
Hồn lang thang cùng ngọn gió bi ai.
Xin người tha thứ cho tôi
Nửa chừng ca mổ phải rời mũi dao
May còn gặp lại kiếp sau
Vết thương ngày ấy giúp nhau chữa lành.
Phụ lời thề thốt cùng anh
Bao nhiêu hẹn ước trở thành hư không
Bạn bè đã nhận thiếp hồng
Không còn đám cưới, nối dòng đưa tang.
Không thầy thuốc, chẳng vợ ngoan
Ta làm ngọn gió lang thang cõi người
Bao giờ bom đạn ngừng rơi
Bao giờ hết bọn giặc trời vô lương?…
Bom đạn đã ngừng rơi
Bọn giặc trời đã tan cùng tham vọng
Khép lại mười hai cơn ác mộng
Người An Dương, Khâm Thiên
Ngơ ngác trên nền nhà cũ
Biết tìm chi giữa bốn bề gạch đổ
Khăn xô theo chiều hương khói bay.
Đến đây
Nhà báo phương Tây
Vừa chụp ảnh vừa khóc.
Qua đây
Nữ ca sĩ Mỹ trứ danh (***)
Chẳng dám nhìn, lấy khăn che mặt
Đôi vai rung lên trong tiếng nấc.
Khép lại mười hai cơn ác mộng
Mùa xuân về cùng người sơ tán
Có bà mẹ rưng rưng trước cánh cửa nhà mình
Chữ đứa con nguệch ngoạc
Nét than viết mò trong đêm:
“Con ghé nhà, không gặp được
Thôi, chào mẹ con đi”!
Tay run run, không thể tra chìa vào ổ khoá
Cánh cửa ơi, hiểu lòng mẹ lúc này.
Màu quân phục nào vừa thoáng phố
Để mẹ nhìn như dại, như ngây!
Bao việc phải làm sau những ngày xa
Lá rụng đầy sân, ẩm mốc trong nhà
Lại xếp hàng mua rau, mua gạo...
Vẫn không quên ra vườn Bách Thảo
Không phải để xem cây.
Xác B52 chất đống
Ngỡ Gò Đống Đa mới chuyển về đây!
Rõ mặt “pháo đài bay”
Sự thật chôn vùi lời khoác lác.
“Một cú sốc ào ạt”
“Bàn tay nắm sấm sét”
Sao thảm hại thế này?
Bên xác B52
Một phóng viên nước ngoài
Mở cassett Sony
Phỏng vấn người xem đứng cạnh:
“- B52 chở bao nhiêu tấn bom?”
“- Điều đó chúng tôi không rõ
Chỉ biết chúng san từ đầu đến cuối phố
Như Khâm Thiên.
Bệnh viện Bạch Mai
Khu lao động An Dương
Nằm gọn trong tầm bom nổ”.
“- B52 bay cao bao cây số?”
“- Điều ấy chúng tôi không rõ
Chỉ biết chúng bốc cháy từ rất cao
Chiếc nào cũng giống nhau
Mắt chỉ thấy khi đã bừng sắc lửa
Rồi ánh chớp loé lên
Rực sáng tận từng góc phố”.
“- B52 dài bao nhiêu thước?”
“- Chúng tôi không thể nào đo được
Vì không có chiếc nào vẹn nguyên
Chỉ thấy từng mảng sạm đen
Từng mảng quăn queo, rách nát
Với ngàn vạn mụn đinh
Như những vết đen ghi tội ác.
Chúng tôi hiểu B52
Không phải qua sách báo Hoa Kỳ quảng cáo
Mà qua xương máu
Của đồng đội, bà con
Qua bàn tay run rẩy xin hàng
Của những tên giặc lái!”
Người phóng viên nở nụ cười mãn nguyện
Hào hứng nâng máy ảnh lên
Xin được ghi hình những người mình trò chuyện
Bên xác B52…
_____
(*): Đế quốc Mỹ dựng mật hiệu “Cuộc hành quân Lai-nơ-bếch-cơ” (Linebaker) để chỉ chiến dịch dùng B52 đánh phá Hà Nội năm 1972.
(**): Lời nghệ sĩ điện ảnh Mỹ nổi tiếng Giên Phôn Đa.
(***): Nữ nghệ sĩ Mỹ Gioan Bae.
Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội