Nhà văn Nguyễn Linh Khiếu
Chiếc lá phong
Tôi sống ở Beijing gần trọn một mùa đông. Chưa bao giờ có một mùa đông xa nhà và lạnh như thế. Trời lúc nào cũng xám như chì. Xung quanh toàn băng tuyết. Xa nhà khi đã có tuổi, trời càng lạnh, ta lại càng nhớ nhà.
Một buổi tối, tôi băng qua một khu vườn trơ cành trở về sau một ngày tất bật đường xa. Gió từ hồ băng thổi lên như có người cầm dao rạch vô hồi vào mặt. Bỗng nghe tiếng xạc xào trong gió. Một chiếc lá từ trên cây trút xuống.
Tôi đuổi theo. Ôi một chiếc lá phong vàng. Tôi nói với người đồng hành: Một chiếc lá phong vàng, em ạ. Người bạn mắt sáng lên: Ô, nó vàng như nắng, chắc là chiếc lá cuối cùng sót lại. Chúng tôi ngước lên. Cả khu vườn cây trơ cành rét mướt buồn bã tối sẫm, không một chiếc lá.
Cầm chiếc lá trên tay. Chúng tôi tiếp tục đi về về nơi ở. Bỗng nhiên mặt cả hai nóng bừng hồng hào. Chiếc lá vàng như một vạt nắng giữa mùa đông phương Bắc, ấm nồng nàn.
Những chú mèo
Chỉ có hai tháng nhưng chúng tôi đã thân với những chú mèo hoang trong khu trường. Mùa đông những hàng cây trút lá thu lu trong băng tuyết còn những loại vật hoặc tìm nơi trú đông hoặc đều di cư.
Chẳng hiểu tự bao giờ trong khu trường vắng ngắt có một gia đình mèo Beijing đốm khoang lông xù béo mập và đẹp mê hồn. Chúng trú trong tầng hầm, trưa nào có ánh nắng cả gia đình ra nằm dài trễ nải phơi nắng.
Lũ mèo dõi theo chúng tôi mỗi lần xuống nhà bếp. Có người nảy ra sáng kiến mang về cho lũ mèo một chút thức ăn. Lũ mèo mừng lắm, chỉ một hai bữa đã trở lên thân thiện. Trưa nào đi ăn về chúng tôi cũng nán lại cho lũ mèo ăn và vuốt ve chúng. Giữa băng giá những sinh linh dễ gần gũi với nhau hơn.
Nhiều hôm đi làm việc xa mãi tối mới về nơi ở. Mỗi khi trở về đã thấy lũ mèo phủ phục chờ mình nơi cửa. Các chú không dám vào khu nhà mặc dù trong đó không khí được sưởi ấm. Nhìn các chú mon men khép nép ngoài trời đêm băng giá trông rất thương.
Bữa trưa cuối cùng chúng tôi mang thức ăn về cho các chú ăn và lưu luyến vuốt ve các chú mãi. Hình như các chú không biết đấy là bữa tiệc cuối cùng những người bạn phương Nam đãi các chú mèo hoang Beijing. Khi chúng tôi đứng dậy ra về thì cả gia đình mèo bỗng nhiên cùng đứng nhìn theo. Một tiếng “nghoeo…” bỗng vang lên trong băng tuyết.
Mấy năm rồi tiếng “nghoeo…” ấy đôi khi lại vang lên trong tâm trí tôi.
Vườn trúc
Khi đọc sách, tôi cứ băn khoăn mãi vì người xưa hay ví người quân tử với tùng, với trúc. Tùng hùng vĩ, quanh năm xanh tốt, cheo leo vách đá trong lạnh lẽo gió sương thì đúng rồi. Nhưng còn trúc làm sao có thể sánh ngang với tùng để ví cùng người quân tử.
Băn khoăn ấy, đeo đẳng tôi bao năm. Nếu không sống giữa mùa đông phương Bắc thì tôi cũng không thể hiểu được. Trong băng tuyết màu đông, hầu như cây cối mọi khu vườn tôi qua đều trụi lá. Chỉ có hai loại cây vẫn âm thầm xanh mướt đó là tùng và trúc.
Trúc xanh mướt cả vườn suốt đêm réo vang một âm thanh bi hùng trong gió lạnh. Những cơn gió cắt thịt cắt da, những băng tuyết phủ trùm trắng xóa. Cả vườn trúc rạp xuống âm thầm đắng cay cam chịu. Thế nhưng lá vẫn không rụng, cành vẫn không gẫy, cây vẫn không héo, màu xanh vẫn không tàn phai. Sự chịu đựng và nhẫn nại của trúc hiếm loài cây nào sánh nổi.
Quân tử hùng vĩ như tùng nghĩa là đắc thời. Quân tử nhẫn nại như trúc nghĩa là thất thế. Đắc thời và thất thế chỉ là tích tắc trong cuộc đời mỗi con người. Vinh và nhục chỉ là chớp mắt trong nhân gian. Điều căn bản là giữa được phẩm hạnh bản nguyên của mình. Hoàn cảnh thế nào mình vẫn cứ là mình.
Đến ngũ thập tôi mới hiểu được vì sao các cụ xưa lại ví mình với trúc. Không sống giữa mùa đông băng tuyết thì làm sao hiểu được.
Sen băng
Ở châu Á nơi nào cũng gặp sen. Nhưng sen trong băng thì mới gặp một lần. Đó là khi tới thăm Yihe Yuan. Nơi đây cách Beijing khoảng 15 km về phía bắc.
Hôm ấy giữa mùa đông, Kun Ming hu rộng 230 mẫu trong khuôn viên Yihe Yuan hoàn toàn đóng băng. Mênh mông một màu trắng lạnh vừa kỳ vĩ vừa bi thương. Mênh mông và kỳ vĩ đến nỗi không còn một sinh vật nào sống được.
Tôi đi theo lan can ven hồ đến gần chiến hạm đá trắng thì bất ngờ gặp sen.
Trong băng, hình hài sen còn nguyên vẹn nhưng đã chết. Sự sống ẩn náu ở đâu đó rất xa, dưới đáy bùn. Hình như bùn là nơi cuối cùng sự sống ẩn trú. Tất cả đã héo quắt. Trông sen thật não nùng. Sen trong băng đẹp một cách bi thương.
Ta sống với sen hàng ngày. Thân thuộc mọi vẻ đẹp của sen. Từ bùn lên sen như một thôn nữ, kiêu sa dáng vẻ đài các lá ngọc cành vàng. Tự nhiên sen thế.
Nhưng vẻ đẹp của sen trong băng thì kỳ vĩ và đau thương quá. Giầu trí tưởng tượng như nhà thơ mà sao vẫn không sao tưởng tượng nổi.
Sen băng đó là vẻ đẹp phóng chiếu vị lai.
Tuyết rơi
Buổi trưa có một đợt tuyết đầu mùa rơi nhẹ. Không ai ngủ được, người nào cũng háo hức xem tuyết rơi. Mấy người bạn Beijing nói rằng tuyết đầu mùa bao giờ cũng mang lại may mắn cho mọi người.
Những bông tuyết trắng tinh, bé xíu lơ lửng bay từ trời cao xuống. Lần đầu thấy tuyết rơi thật ngỡ ngàng. Một vẻ đẹp tinh khiết mong manh đến thắt lòng.
Mọi người đứng ngoài trời giá lạnh xòe tay hứng tuyết. Tuyết bám vào mặt vào tóc vào khắp áo quần. Tuyết tan mát lạnh chảy lênh láng thấm thía trên thịt da thật kỳ diệu.
Tuyết rơi như mưa, chỉ một chút, tuyết đã vun thành đống trắng muốt như gạo, như muối dưới chân. Trời lạnh lắm. Tuyệt đẹp thật nhưng làm sao đứng hứng tuyết dưới độ âm ngoài trời mãi được.
Tiếc rẻ trở về phòng. Bạn hỏi: Anh thấy tuyết đẹp không? Nói: Tuyệt, nhưng ngoài trời, tuyết lạnh buốt. Hỏi: Thế sao? Nói: Trong nhà tuyết bỏng. Hỏi: Thật sao.
Nghiệm thật, tuyết đầu mùa mang may mắn đến ngay.
Băng non
Buổi sáng, trời còn tờ mờ tôi đi ra khu vườn quanh nhà. Thật bất ngờ, cả khu vườn khô héo bỗng lung linh một màu trắng trong im phắc lạ lùng.
Mọi cành cây ngọn cỏ đều được bọc cẩn thận một lớp băng trong non nớt mỏng manh. Khu vườn thân thuộc là thế bất ngờ trở nên một thế giới băng non hư ảo. Nhịp điệu của thời tiết biến chuyển vạn vật. Lạnh giá có phép màu của lạnh giá.
Băng non đầu mùa đẹp run rẩy xa hoa. Huyền ảo mỏng manh quá chỉ chút ánh ngày đã dịu dàng tan chảy.
Trời trong
Ở Beijing có những chiều mùa đông trời trong suốt. Nếu nhìn lên trời bạn luôn có cảm giác trời rất gần. Chỉ cần với tay có thể chạm tới trời. Một màu xanh thăm thẳm hư không ngự trị.
Không một cánh chim. Không một gợn mây.
Trong những lúc như thế, suy nghĩ của bạn rất hư vô. Hư vô hình như là một trạng thái hoan lạc kiếp người.
Trong những lúc như thế, suy nghĩ của bạn trong suốt. Trong suốt hình như là tâm thế mặc khải nhân sinh.
Anh đào
Dọc con đường dẫn vào khu ký túc xá có hai hàng cây nhiều nhánh còn non nhưng đã rụng sạch lá từ bao giờ. Mọi người nghi hoặc không biết là cây gì.
Lá là khuôn mặt của cây. Rụng hết lá nghĩa là cây không còn mặt. Không có mặt thì biết là ai. Cây mùa đông thu lu giấu mình trong gió lạnh. Cây trở lên vô cảm. Càng khó nhận ra.
Nhưng tôi biết đó là anh đào. Mặc dù nơi đây không phải là xứ sở của anh đào. Cây anh đào có đặc trưng về thân cành không giống với cây nào.
Khi mọi người nghi ngờ tranh cãi tôi không nói gì. Tranh cãi với những người không biết thì thật ngốc nghếch. Những thân cành khô kia thì làm sao chứng mình được đó là anh đào.
Chúng tôi rời xứ sở này khi mùa xuân chưa đến. Người nào cũng mang nghi hoặc về hai hàng cây kia theo mình. Không biết đó là cây gì. Còn tôi, tôi tiếc là mình không có duyên với hoa anh đào ở Beijing.
Lá phong đỏ
Quà mang từ Hà Nội, đã hết, nhưng còn phải tặng nhiều nơi. Hỏi người phiên dịch ở Beijing nơi nào có bán đồ lưu niệm Việt nam. Bạn mách, ở khu du lịch Xiang Shan có bán quà Việt nam.
Sáng hôm sau, bạn dẫn chúng tôi đi xe bus đến Xiang Shan. Trên đường bạn giới thiệu, ở Xiang Shan cũng có chùa thờ Phật. Đi mãi, phải vai chục cây số. Đến nơi, trời ạ, mùa đông, băng tuyết trắng xóa. Khu du lịch không một bóng người.
Chúng tôi đi bộ theo con đường du lịch. Hai bên dãy phố bán hàng souvenir hầu như cửa đóng im ỉm. Có đôi cửa hàng mở nhưng chủ cũng trễ nải, không quan tâm đến hàng họ. Vùng núi cao mùa đông băng tuyết trời lạnh khủng khiếp.
Tìm mãi, chân tay lạnh cóng, may mà thấy một cửa hàng có đôi ba đồ sứ rất sơ sài, èo ọt. Trông mà phát ngượng.
Đến một cửa hàng souvenir có bán những chiếc lá phong đỏ của núi Xiang Shan. Đây là xứ sở lễ hội lá đỏ mùa thu nổi tiếng thế giới. Những chiếc lá phong đỏ giữa băng tuyết trắng xóa trông như lửa, đẹp rực cháy.
Mình chọn mua mấy chiếc tặng bạn. Bạn nhíu mắt. Thấy mình có vẻ băn khoăn, bạn nói: Em muốn mùa thu sang năm mình về đây, lá phong đỏ rực núi rừng Xiang Shan, thế mới thích.
Nói thế, nhưng mùa thu năm sau mình ở đâu. Làm sao biết được.
Theo Hội nhà văn Việt Nam