Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Việt Nam, tình yêu và nỗi đau của tôi (Phần 2) - EPGHENHI KOBELEP Việt Nam, tình yêu và nỗi đau của tôi (Phần 2) - EPGHENHI KOBELEP , Người xứ Nghệ Kiev
 

 Bảy giờ rưỡi chiều. Ở vùng nhiệt đới, bóng tối thường sụp xuống bất ngờ. Từ phía Nhà hát Lớn xuất hiện một dây người cao lớn mặc pigiama kẻ sọc nối đuôi nhau đi tới. Họ đi từng đôi, bị còng tay lại với nhau, trên lưng áo có đánh số. Hai bên đường là đội ngũ bảo vệ cầm súng với lưỡi lê tuốt trần. Phía trước, một chiếc xe chạy bật đèn pha chiếu vào đoàn tù  thứ nhất gồm khoảng 20 người. Nhóm thứ hai đi cách một quãng xa, đông hơn, không được soi sáng. Chắc đó là những phi công mới bị bắt cách đây chưa lâu, hiện thời chưa được phép chụp ảnh.


Dọc theo phố Tràng Tiền, nơi dòng tù binh đang đi qua, người Hà Nội đứng chật hết cả lề đường. Thỉnh thoảng những nắm tay lại giơ lên cao cùng với tiếng thét “Đả đảo! Đả đảo!”  Những cô du kích nhỏ nhắn đeo băng đỏ, nắm tay nhau dàn thành hàng rào để ngăn đám đông với những người tù binh. Phần lớn những phi công sừng sỏ cúi đầu bước đi, chỉ một vài tên giữ vẻ nhơn nhơn mà thôi. Trong số bọn chúng có những người mà tôi quen mặt, hoặc là tôi đã nhìn gặp ở các cuộc họp báo, những người khác tôi đã nhìn thấy qua ảnh hoặc thẻ bay đăng trên báo chí Việt Nam.

Phi công Mỹ bị bắt năm 1972 ở Hà Nội

Rơi vào tình huống trớ trêu này ngoài ý muốn của mình, tình huống mà khi xuất phát từ tàu sân bay của hạm đội 7 hoặc từ sân bay ở Thái Lan đến oanh tạc VN, họ đã không hề ngờ tới, và giờ đây, mỗi một người trong số họ đều có những cách xử sự khác nhau. Nhưng có một điểm chung nối kết họ – đó là nỗi buồn hoang dại trong đôi mắt và câu hỏi lặng thầm: vì sao họ lại phải chịu số phận như vậy? Tại những cuộc gặp gỡ với các phóng viên, trong đó có cả những cuộc gặp với tôi, do chính quyền VN tổ chức, nhiều phi công Mỹ đã tuyên bố thẳng rằng họ coi cuộc chiến tranh này là “khác thường” và “bất hợp pháp”. Dưới tác động của sự tuyên truyền chính thống của nước Mỹ, trước đây họ tưởng rằng đang chiến đấu vì những lí tưởng cao cả và cuộc chiến tranh chống lại một dân tộc châu Á lạc hậu sẽ chỉ là một cuộc dạo chơi chớp nhoáng. Và giờ đây họ đang phải trả giá bằng sự nhục nhã này cho sự tham gia của mình vào cuộc chiến tranh tội lỗi đó.   

Ba ngày “không phải là nóng nhất”

Tháng năm là tháng nóng nhất ở Hà Nội. Buổi trưa, ngay cả trong bóng râm, cột thủy ngân trong nhiệt kế cũng hiếm khi tụt xuống dưới mức 35 độ C. Thêm vào đó, độ ẩm không khí lại rất cao. Nóng nực như thể anh đang ở trong phòng tắm hơi vậy. Khi hít thở, tưởng chừng như không phải không khí, mà là từng luồng hơi nước đặc và ẩm đang đi qua buồng phổi của mình.
 
Năm 1967, tháng 5 đối với những người dân Hà Nội lại càng nóng gấp đôi – đó là giai đoạn mà không quân Mỹ đã chuyển sang xâm phạm bầu trời thủ đô và các thị trấn ngoại ô một cách hệ thống. Trong nhật ký của tôi, ba ngày 19, 20, 21 tháng năm được đánh dấu đặc biệt – đó không chỉ là những ngày thời tiết nóng nực, mà còn là thời gian máy bay Mỹ bắn phá ác liệt nhất, những ngày công tác phóng viên bận rộn nhất, không chỉ về mặt trí óc, mà cả về mặt lao động chân tay vất vả.

Ngày thứ nhất.

Sáng hôm ấy trời âm u mây, thỉnh thoảng mưa lắc rắc rơi. Tình hình có vẻ yên tĩnh một cách đáng ngạc nhiên. Chiếc loa phóng thanh gắn trên ban công phòng làm việc của tôi ở phố Cao Bá Quát mấy hôm nay cũng im tiếng. Đó là chiếc máy phóng thanh mà các nhân viên phòng đời sống của hãng thông tấn TASS đã gửi sang theo yêu cầu của tôi. Họ đã nỗ lực một cách đáng khen – đó là một chiếc loa phóng thanh cực mạnh mà thời chiến tranh chống phát xít Đức người ta thường gắn trên các cột dây điện, âm thanh do nó phát đi thì ở xa hàng verst vẫn nghe rõ.  

Nhờ chiếc loa phát thanh này mà tôi có được thông tin kịp thời về những gì đang xẩy ra trong thành phố. Ủy ban phòng không thường xuyên thông báo về vị trí của máy bay địch, về địa điểm bị bắn phá, về số máy bay Mỹ bị bắn rơi…Cùng với tôi, nhân dân ở các ngôi nhà bên cạnh cũng nghe các thông báo qua máy truyền thanh, sau mỗi trận oanh tạc họ thường tụ tập thành nhóm dưới ban công nhà tôi đang ở. Mỗi khi nghe thông báo số máy bay bị bắn rơi, họ thường mỉm cười với tôi, và sợ rằng tôi không hiểu hết, họ thường giơ ngón tay lên làm hiệu.

Vậy mà hôm nay loa phóng thanh lại im lặng, và tôi yên tâm lên đường đi giải quyết các công việc của mình. Thế nhưng vào buổi sáng âm u ấy, kinh nghiệm đã đánh lừa tôi. Mọi chuyện đã xẩy ra trong nháy mắt. Phía Tây Nam thành phố đột ngột xuất hiện bốn chiếc máy bay Mỹ, và hầu như đồng thời, vang lên loạt đạn pháo cao xạ phá tan đội hình của chúng. Sau đó rền lên hai tiếng nổ lớn, không biết đó là tiếng bom hay tên lửa, vang lên từ hướng phố Trần Phú, phía Đại sứ quán Liên Xô và Đại sứ quán một số nước khác. Một vài phút trôi qua, tiếng còi báo yên réo lên ù cả tai.

Tôi vớ vội chiếc mũ sắt, máy ảnh và lao về hướng vừa có tiếng nổ, nơi mọi người đang đổ đến từ mọi phía. Một người cảnh sát giải thích rằng máy bay “con ma” của Mỹ vừa trút một loạt rốc két xuống khu ngoại giao đoàn. Từ đám cành lá gẫy ở nơi bị bom, người ta đang kéo xác ba người mặc quần áo thường dân vừa bị thiệt mạng. Họ ngồi trốn dưới những chiếc hầm cá nhân, nhưng không kịp, hoặc có lẽ mải xem máy bay, đã không đậy những chiếc nắp hầm bằng bê tông mà ngày ấy được đặt khắp nơi ở cạnh những chiếc hầm trú ẩn đào dọc hai bên đường phố Hà Nội.

Hai tiếng đồng hồ trôi qua. Bản tin mới sang hôm đó đã được chuẩn bị xong, tôi ngồi chờ liên lạc với Maxcơva. Đúng lúc đó, chiếc loa truyền thanh của tôi lại réo vang còi báo động. Phía trên hồ Trúc Bạch, nơi có nhà máy điện thành phố, đột nhiên bốc lên cột khói khổng lồ màu vàng. Từ xa nhìn lại, tưởng chừng như những chiếc máy bay chui vào làn khói và tiếng bom lại vỡ ra. Cột khói tỏa ra rất nhanh, trong phút chốc đã lan ra hết nửa bầu trời.

Sau khi báo yên, không chờ liên lạc với TASS, tôi lao đến vùng vừa bị oanh tạc. Đó là một địa điểm không xa quảng trường Ba Đình, khu phố có các cơ quan chính phủ. Nhìn bề ngoài, nhà máy điện Yên Phụ có vẻ vẫn nguyên vẹn, nhưng phố Hàng Bún dẫn tới đó thì tan tành những đống gạch vụn. Rất may là thiệt hại về người không lớn – phần lớn dân chúng đã đi sơ tán từ năm ngoái.

Như mọi lần, chưa kịp hoàng hôn, đêm tối đã lại nhanh chóng sụp xuống thành phố. Và như thể trấn an nhân dân thủ đô, ánh đèn đường bất chợt bừng lên, những ô cửa sổ của các nhà hàng và những tiệm bán bia dọc theo Bờ Hồ rực rỡ như một lời thách thức. Đài phát thanh đưa tin thủ đô Hà Nội vừa bắn rơi bảy chiếc máy bay địch. Con số đó được lặp lại hàng trăm lần, được viết bằng phấn, bằng vôi trên tường những ngôi nhà, trên thành những chiếc xe vận tải. Cả thành phố phấn khởi tự hào vì đã ngẩng cao đầu đánh trả trận oanh tạc mới của không quân Mỹ. Nhưng niềm vui chiến thắng cũng đi đôi với nỗi đau thương mất mát. Những chiếc xe cứu thương lien tục chở người bị thương đến bệnh viện. Trên đường phố, những chiếc xích lô hối hả chuyển đi những vòng hoa quấn băng tang.

Ngày thứ hai

Cuối cùng, ngày chủ nhật đã tới. Đây là dịp để xả hơi sau các sự kiện ngày hôm qua. Thế nhưng ngay từ sang sớm loa phóng thanh đã truyền đi giọng người phát thanh viên: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội ba mươi cây số!” (Tiếng Việt trong nguyên bản. ND). Báo động hết đợt này đến đợt khác. Chỉ là báo động nhầm, nhưng nó làm cho người ta căng thẳng. Theo lời khai của những tên phi công Mỹ sa lưới, chúng được lệnh không để cho nhân dân Hà Nội được yên, cả ngày lẫn đêm, nhất là khoảng thời gian từ mười một đến ba giờ chiều. Đó là giờ nghỉ trưa ở những vùng nhiệt đới, khi người ta ngủ một giấc ngắn sau bữa ăn trưa, nhất là về mùa hè, khi trời nóng nực nhất. Không phải ngẫu nhiên, ấn tượng đọng lại về những ngày tháng năm ấy của tôi và nhiều đồng nghiệp Việt Nam khác là sự triền miên thiếu ngủ.

Loa phóng thanh liên tục báo động – nhiều lần máy bay không người lái của Mỹ xâm phạm bầu trời thủ đô. Có cảm tưởng rằng dường Mỹ dự định sẽ tấn công Hà Nội cho đến tận ngày 23 tháng năm, đến tận khi thỏa thuận ngừng bắn 24 giờ đồng hồ nhân ngày Phật Đản có hiệu lực.

Mặc dầu là ngày nghỉ, hai người cộng sự không thể thiếu được của tôi là chủ nhiệm Hai và lái xe Nam vẫn hăng hái dùng xẻng sửa sang lại căn hầm tránh bom được đào cách đó chưa lâu, ngay trong sân ngôi nhà tôi ở. Căn hầm do họ thiết kế, theo nhận xét của tôi thì chỉ nhìn từ xa mới giống một nơi ẩn nấp. Đấy là một ngôi nhà nhỏ xíu bằng gạch, thấp lè tè vì ăn sâu xuống dưới mặt đất. Nếu bom rơi trúng hầm thì chắc gì người nấp ở trong thoát chết, nhưng dù sao thì nó cũng làm cho người ta được yên tâm. Hầm mới làm được hai tháng, mà cỏ đã mọc um tùm, trên nóc hầm, cạnh lỗ thông hơi, một bụi chuối nhỏ đã kịp lên xanh mơn mởn.

Riêng bản thân tôi thì đã từ lâu tôi chọn được cho mình một vị trí yêu thích trên sân thượng, mỗi lần có máy bay Mỹ bay trên bầu trời Hà Nội, tôi thường có mặt tại đây với chiếc máy ảnh Zenit trong tay. Hầu như trên mỗi một ngôi nhà cổ của Hà Nội đều có một sân thượng bằng phẳng như vậy, từ trên đó nhìn ra, thành phố với những ngôi nhà hai, ba tầng trải ra mồn một như trong lòng bàn tay. Tôi có một ước mơ cháy bỏng của một phóng viên là làm sao chụp được bức ảnh chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi và đang bốc cháy ngùn ngụt. Các phóng viên Thông tấn xã VN đã thay nhau trực trên sân thượng cơ quan và không hiếm khi chụp được những bức ảnh tuyệt vời về những chiếc máy bay Mỹ đang bốc cháy trên bầu trời thủ đô và những bức ảnh như vậy đã thường xuyên xuất hiện trên báo chí Hà Nội.

Hôm nay, tôi đặc biệt sốt ruột chờ cho giờ cao điểm trôi qua. (Tiếng Việt trong nguyên bản. ND). Đó là khoảng thời gian mà địch đánh phá ác liệt nhất. Bộ phận báo chí bộ ngoại giao gọi điện và báo tin buổi chiều sẽ có cuộc triển lãm các loại vũ khí mà không quân Mỹ đã sử dụng trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc VN. Cũng chẳng cần phải đi đâu xa, triển lãm tổ chức ở trung tâm Hà Nội, trong ngôi nhà dài bằng gỗ của một đơn vị bộ đội Việt Nam.

Ngay trên sàn nhà hoặc trên những chiếc giá đóng vội, nằm la liệt những quả bom và tên lửa đủ loại, đủ hình dạng, những loại vũ khí này đã không nổ khi rơi xuống mặt đất. Có cả một  quả bom tấn khổng lồ, mới đây tôi đã từng thấy hố rộng đến 50m do loại bom này gây ra ở Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Tại triển lãm cũng trưng bày các loại bom nổ chậm. Có cả những quả tên lửa “không đối đất”: loại sraik và loại bunpap. Và cả những chiếc can đựng napal đã bị cháy nham nhở – có thể nói, trong cuộc triển lãm này, đó là hiện vật duy nhất đã qua sử dụng.

 Tại một vị trí đặc biệt trên giá có bày một quả bom hình bắp ngô dài khoảng một mét rưỡi, bên trong đựng nhiều quả bom bi nhỏ. Nó đặc biệt thu hút chú ý vì bom bi lúc đó là một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt mới xuất hiện, lịch sử quân sự chưa hề biết đến. Theo lời ông Đặng Ái, Trưởng ban nghiên cứu tội ác của Mỹ ở Vn, từ tháng hai năm 1965, các nhà máy Mỹ bắt đầu sản xuất loại bom bi này, chính là để sử dụng ở VN. Vỏ bom mẹ đựng khỏang 500 đến 600 quả bom con bằng quả cam, sẽ nổ ở trên không, tung ra những “quả cam”  đựng hơn ba trăm viên bi nhỏ bằng thép trên diện tích hình chữ nhật với chiều dài một nghìn mét, chiều rộng hai trăm mét.

Theo lời các bác sĩ điều trị VN mà tôi có dịp nói chuyện ở quân y viện Hải Phòng, những nạn nhân của bom bi, nếu sống sót thì cũng suốt đời tàn tật. Bởi vì, khi lọt vào cơ thể người, những viên bi này để lại trong lớp cơ hoặc xương những dấu vết hình dích dắc, và lấy những viên bi đó ra là một công việc vô cùng khó khăn đối với bác sĩ.

Khi bế mạc, đồng chí Đặng Ái tặng chúng tôi mỗi người một quả bom bi con làm kỉ niệm. “Các anh có muốn tôi cho xem cấu tạo nổ của nó không? – Ông nói. – Khi bị văng ra khỏi bom mẹ, những quả bom bi con này chuyển động theo vòng tròn theo tâm của nó, và trong thời gian chuyển động đó, thuốc súng trong lòng nó nóng dần lên để chuẩn bị nổ. Bây giờ, tôi lăn nó trên mặt đất, bóng đèn trong nó sẽ sáng xanh lên. Các anh thấy không? Chỉ một động chạm nhỏ trên mặt đất mà nó đã hoạt động rồi. Đừng sợ, tôi chỉ làm nhẹ tay thôi mà.

Đặng Ái tung quả cầu theo cách khá ấn tượng. Bất ngờ, một tiếng nổ đinh tai vang lên. Theo bản năng, tất cả mọi người ngồi thụp xuống.
- Đó không phải là tôi! – Đặng Ái hoảng hồn kêu lên. Ai nấy đều ngẩng đầu nhìn lên. Trên bầu trời không mây, trông rõ những vệt khói trắng mỏng, giống như máy bay thường để lại khi bay rất cao. Một tên lửa từ mặt đất vọt lên, bay dích dắc đuổi theo chiếc máy bay trinh sát. Và rồi trong nháy mắt, tên lửa đâm thẳng vào đầu dải khói ngoằn nghoèo.  
 
Khi ra về, tôi hỏi xin ban tổ chức một quả quả bom bi con, thêm vào đó là một quả bom “thế hệ thứ nhất” hình quả dứa. Sau này, khi về nước, tôi đã mang theo hai quả bom ấy cùng với mảnh tên lửa sraik  khá lớn mà tôi lượm được đâu đó trên đồng lúa cách thành phố Vinh không xa, và cho đến tận bây giờ chúng vẫn nằm trong tủ nhà tôi, như những hồi ức về những năm tháng mà tôi đã ở Vn.

Ngày thứ ba      

Vừa mở mắt, theo thói quen, tôi đến bên cửa sổ để xem mấy ông bạn tên lửa quen biết đóng trên sân thượng ngôi nhà đối diện đang làm gì. Họ đã đội mũ sắt và đang vặn cái gì đó trên khẩu pháo của mình. Có vẻ như hôm nay sẽ lại là một ngày nóng nực. Cứ theo cách xử sự của mấy chàng trai có vẻ ngoài chưa quá 18 tuổi này, có thể đoán được điều gì sẽ xảy ra sau vài giờ nữa. Vậy mà lần này tôi đã nhầm.

Chiếc loa trên ban công chợt đột ngột lên tiếng, rồi chỉ mấy phút sau tiếng động cơ phản lực lớn dần lên. Nhảy mấy bậc thang một lần, tôi vội vàng leo lên sân thượng. Những chiếc máy bay sà cánh, lao trên trung tâm thành phố với tốc độ kinh khùng, chắc là để tránh tên lửa. Đột nhiên trên mặt Hồ Tây, cách nhà chính phủ khoảng năm trăm mét, cùng với mảnh máy bay bị bắn rơi, trên nền trời hiện ra mấy cái dù chóp đỏ. Một chiếc dù, rồi chiếc thứ hai, chiếc thứ ba, hệt như trong đoạn phim quay chậm, từ từ rơi xuống sau những mái nhà. Nếu như không có những tràng pháo cao xạ nổ, nếu như không có màn khói đen bao phủ thành phố cùng với mùi cháy khét lẹt, có lẽ tôi đã tưởng rằng mình vừa chứng kiến một cuộc thi nhảy dù.

Một chiếc máy bay ném bom F 105 Đ, không kịp trút hết bom đã bốc cháy và bắt đầu lao về phía quảng trường Ba Đình. Chỉ thiếu một chút nữa là tạt mất mái khu nhà ngoại giao, nó chúi đầu rơi xuống một ngõ nhỏ gần sân vận động Hàng Đẫy. Chiếc máy bay rơi xuống kèm theo một tiếng nổ mạnh, đến nỗi kính từ các ô cửa trong Câu lạc bộ báo chí bay hết sạch.

Tiếng súng vừa dứt, dân chúng đã từ các ngả chạy đến nơi chiếc máy bay rơi xuống. Người Việt Nam vốn rất tò mò, mà đây lại là chiếc máy bay đầu tiên của Mỹ bị rơi giữa trung tâm Hà Nội. Khó khăn lắm tôi mới len qua được đám đông người  đông đúc đang bị các cô dân quân áo đen ngăn lại. Chiếc máy bay rơi trúng một xe tải chở dầu ma dút vừa mới được dỡ hàng. Những thùng dầu được bốc xuống cách đó chừng vài mét. Chiếc máy bay đang bốc cháy ngùn ngụt bên cạnh các thùng ma dút đó. Bình xăng chưa sử dụng hết của máy bay có thể bốc cháy bất cứ lúc nào. Tình thế quả thật vô cùng nguy hiểm.

Cuối cùng, thân chiếc máy bay đang bốc cháy được phủ đầy lớp bọt trắng chữa cháy. Những người thợ cứu hỏa và những cô dân quân bé nhỏ hầu như đã dùng tay không để kéo những thùng dầu và những mảnh máy bay cháy bỏng ra xa. Tôi lội trong đám nhựa đường nóng chảy, lia lia chụp hết pô này đến pô khác, những tiếng quát xung quanh dường như không  vào được ý thức tôi. Vừa may là hết phim, và chỉ lúc ấy tôi mới nghe tiếng thét của ai đó lọt vào tai mình:
- Chạy mau! Nó sắp nổ rồi!

Về đến nhà, trong nửa tiếng đồng hồ, tôi hét vang cả đoạn ngõ nhỏ và hẹp Cao Bá Quát để đọc cho cô điện báo viên của Hãng thông tấn TASS chép đoạn tin về sự kiện xảy ra sáng nay. Mệt phờ người và hầu như mất giọng (sau mỗi trận bom thính giác hình như bị giảm đi nhiều), đến khi truyến xong bản tin về nước, tôi mới chợt nhận ra là trong phòng nóng không chịu nổi. Không nhẽ chúng đã đánh trúng nhà máy điện rồi sao? Chỉ khi nào sống ở vùng nhiệt đới, ta mới hiểu được trong cuộc sống, điện có vai trò to lớn đến chừng nào. Máy điều hòa không làm việc, ngay cả chiếc quạt bốn cánh trên trần nhà, ngày thường vẫn xua đi những luồng không khí ẩm và bức bối, hôm nay cũng đứng yên. Thậm chí muốn tắm rửa cũng không được, vì máy bơm nước cũng chạy bằng điện. Mồ hôi ròng ròng tuôn ra, tôi ngồi thừ người, nghĩ bụng không biết những người lính cao xạ hàng xóm của tôi làm thế nào mà chịu nổi ánh mặt trời đổ lửa, bên cạnh những khẩu pháo nóng rẫy?

Sau giờ ăn trưa, tôi đến khu vực nhà máy điện. Dọc theo đường Thanh Niên – một con đê rộng phân chia Hồ Tây và hồ Trúc Bạch  - tôi thấy đã mọc lên một trận địa pháo cao xạ mới. Những chiến sĩ phòng không ngồi ngay trên mặt đất, chia nhau bữa trưa đạm bạc bày trên tấm vải nhựa: những gói cơm nếp bọc trong lá chuối, một vài thứ đồ hộp nào đó cùng với chuối rán. Bỗng tôi nhận thấy cả hai bên thành xe dân chúng nháo nhác chạy – lại đang có báo động. Âm thanh bên ngoài chìm lẫn trong tiếng động cơ xe, có cảm giác như những gì đang xảy ra xung quanh là một đoạn phim câm. Tường chừng như cả thế kỉ trôi qua, tôi mới vòng được xe quay trở lại trên đoạn phố rộng chừng ba mét. Những người pháo thủ, bỏ khẩu phần đang ăn dở, đã sẵn sàng bên vị trí chiến đấu của mình.

Tôi mở hết tốc độ, lái xe chạy về phía nhà Quốc Hội. Đằng sau lưng, người lính gác quát câu gì đấy, chắc là ra lệnh dừng xe lại, nhưng tôi đã rẽ sang khu ngoại giao. Trong đầu thoáng qua ý nghĩ, có ai đó nói rằng trong thời gian báo động người ta có quyền bắn thẳng vào những chiếc xe không đeo biển đặc biệt đang chạy. May quá, chiếc xe “Moskvich – 203” của tôi đã phanh ken két trên con phố mong đợi. Tôi vội nhảy ra khỏi xe và lao lên sân thượng của khu tùy viên quân sự LX. Trên trời, đang diễn ra một cảnh hệt như sáng nay. Từ phía Nam, những chiếc máy bay AĐ - 6  bay thẳng vào tọa độ nhà máy điện, chắc là chúng đã cất cánh từ tàu Kitikok, vừa thả neo trên vịnh Bắc Bộ. Từ phía nhà máy điện những cột khói đen lại bốc lên trời cao. Những chiếc máy bay hầu như không tấn công mục tiêu như trước, chúng bay đến gần nhà máy điện khoảng ba bốn cây số thì xả xuống mấy loạt đạn.

Trời vừa tối, từng đoàn người xuống phố, mang các khẩu hiệu “Hoan hô nhân dân thủ đô ngày hôm nay đã bắn rơi chín chiếc máy bay Mỹ!”. Nếu đúng như vậy thì hai ngày qua Mỹ đã mất trên bầu trời Hà Nội tất cả 16 chiếc máy bay. Họ đã đạt được mục đích gì? Tưởng chừng như một mục đích của các trận oanh tạc này đã đạt được – nhà máy điện bị hỏng. Nhưng sau đó được biết là nhà máy điện chỉ bị hư hỏng trong vòng một ngày. Đến sáng hôm sau đã có điện. 16 chiếc máy bay, ngần ấy phi công hạng nhất, phải mất hàng đống tiền của để đào tạo. Phải chăng Oasinhtơn đã phải trả giá quá đắt cho “những đòn trừng trị” này?!

Ba ngày “không phải là nóng nhất” đó không chỉ là những ngày chiến thắng của lực lượng phòng không Hà Nội. Rốt cuộc, tôi đã thực hiện được mơ ước của mình – tôi đã chụp được thời điểm chiếc máy bay F – 10, sau khi trúng tên lửa hoặc đạn pháo, đã nổ tung từng mảnh. Những mảnh vụn máy bay này chậm rãi bay lượn trong không khí rồi rơi xuống không xa câu lạc bộ báo chí mà Bộ ngoại giao (Việt nam  -ND) thường tổ chức họp báo với các phóng viên nước ngoài. Tất nhiên, theo quan điểm của các nhà chuyên môn, tấm ảnh tôi chụp được đáng tiếc là chỉ có chất lượng ở mức trung bình. Thế nhưng các phóng viên TASS thường trú tại Pari khi gặp tôi ở MXV đã nói rằng: bức ảnh ấy đã được đăng trong một số nào đó của tạp chí “Pari – match”. Thật ra mà nói, không hiểu sao lại chẳng thấy họ mang quyển tạp chí ấy về nước.

Những cuộc gặp gỡ ngoài mặt trận

Trong những năm tháng máu lửa ấy, những cuộc gặp gỡ và tình bạn của tôi với các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ Liên Xô sang Việt Nam theo tiếng gọi của trái tim, để dùng ngòi bút và cọ vẽ của mình biểu lộ tình đoàn kết của mình đối với nhân dân Việt Nam đang đánh Mỹ, là những kỉ niệm không thể nào quên. Khi máy bay Mỹ bắt đầu oanh tạc thủ đô Hà Nội, ban lãnh đạo Đại sứ quán ra quyết định cấp tốc đưa hết vợ con của các công dân Liên Xô về nước, vì vậy, ngôi biệt thự hai tầng của thông tấn xã TASS chỉ còn lại một cư dân duy nhất là tôi. Và rồi dần dần hình thành một tiền lệ là hầu như tất cả những ai từ Moskva sang công tác ở Hà Nội trong những đợt công vụ ngắn ngày đều thành khách trong ngôi nhà của tôi.

Tôi nhớ rằng một trong những người khách đầu tiên ấy là Iulian Xemionov, khi ấy là nhà văn mới vào nghề. Về chuyên môn, ông là một nhà Đông phương học, có lẽ vì vậy mà ở Việt Nam ông cảm thấy thoải mái như cá ở dưới nước. Chính tại phòng làm việc của tôi, ông đã bắt đầu gõ trên chiếc máy chữ bất ly thân những dòng đầu tiên về đề tài Đông Dương, có tựa đề giật gân là “Nó giết tôi ở gần Luangphabăng” mà về sau sẽ được đăng trong tạp chí “Ngọn lửa nhỏ”. Điều khiến tôi kinh ngạc nhất là Iulian chỉ có mặt tại khu vực của chúng tôi vẻn vẹn có vài tuần, vậy mà ông đã có thể mô tả một cách chính xác và dung dị lối sinh hoạt, văn hóa và tính cách của các nhân vật của mình như thể ông là người địa phương vậy. Rõ ràng là ngay từ tác phẩm ấy, một trong những tác phẩm đầu tay của ông, đã bộc lộ thiên tài văn chương của người sau này sẽ viết nên “Mười bảy khoảng khắc mùa xuân.”

Ilia Glazunov… Không biết con người tài hoa mà ngày nay đã trở thành họa sĩ nhân dân này đã có cuộc triển lãm cá nhân nào trước những chuyến đi Việt Nam hay không. Nhưng tôi biết chắc chắn rằng cuộc triển lãm hơn 150 bức tranh, chân dung và phác thảo với tựa đề “Ngày và đêm Việt Nam” của ông ở Hà Nội và Moskva đã gây sự chú ý lớn và theo sự khẳng định sâu sắc của tôi, cuộc triển lãm đó đã mang lại cho ông những vòng nguyệt quế xứng đáng đầu tiên của một bậc thầy hội họa trường phái hiện thực.
 
Là con người sáng tạo, Ilia Xergeevich say mê tất cả những gì thuộc gì cổ xưa, và tôi đã không chỉ một lần đưa ông đến những chùa chiền Hà Nội. Tại đó ông chiêm ngưỡng một cách khâm phục những kiệt tác nghệ thuật Việt Nam thế kỉ XVI-XVII. Tôi còn nhớ rằng buổi tối  trước ngày ông về nước, chúng tôi tổ chức tại ngôi nhà tôi ở một cuộc “nếm thử rượu” cô nhắc Ácmêni, và trong thoáng chốc, Ilia Xergeevich đã phác vẽ bức chân dung của tôi bằng bút chì, nhanh đến nỗi chính tôi cũng không nhận ra ông vẽ vào lúc nào. Đến tận bây giờ tôi vẫn không thể tha thứ cho mình về chuyện tôi đã xử sự một cách vô tâm đối với quà tặng ấy của họa sĩ vẽ chân dung thiên tài trong tương lai. Trong những lo toan bận rộn, căng thẳng của đời phóng viên, tấm chân dung ấy đã biến mất cùng với hàng núi giấy tờ và sách báo chất đầy trong phòng làm việc của tôi.

Evgheni Dolmatovski… Dĩ nhiên, quan hệ của tôi đối với nhà thơ này là rất thiện cảm. Đối với tôi, ông là đại diện của thế hệ trước, là huyền thoại của nền thơ ca xô viết. Tôi may mắn được nhièu lần tiếp xúc với ông, nghe ông kể lại những hồi tưởng sâu sắc về cuộc đời của ông giai đoạn trước Chiến tranh vệ quốc vĩ đại và những chuyện ngày thường ngoài mặt trận. Ở Hà Nội, ông có thái độ triết học đối với những cuộc báo động phòng không, nhưng khi những người Việt Nam mời ông xuống hầm trú ẩn, ông đều thực hiện điều đó với sự phục tùng và thường nói rằng: “Trở về nguyên vẹn từ cuộc chiến tranh ngày ấy, bây giờ đang ở xa nhà thế này mà chết vì mảnh đạn lạc thì thật đáng tiếc.”

Với Dolmatovski tôi có hai kỉ niệm đáng nhớ. Một hôm, ông đến chơi khi tôi đang nghe tin tức qua đài Sài Gòn. “Cậu có biết rằng tôi là công dân Liên Xô duy nhất đã đến Sài Gòn hay không?”- ông đột ngột hỏi. Thì ra, chiếc phi cơ mà nhà thơ bay từ Tokio đã bất ngờ hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Khi đó, sân bay này là căn cứ quân sự của Mỹ. Trong gian phòng đợi bị bao vây giữa những người lính mang súng trường tự động, nhà thơ đã ngồi gần hai tiếng đồng hồ nhìn ra bạt ngàn những chiếc nhà để máy bay tiêm kích.

Kỉ niệm khác thì khá là buồn cười. Trong một buổi đón tiếp nhà thơ Đolmatovski, có anh dân quân đứng tuổi đã ngâm bài thơ “Đợi anh về” của Konxtantin Ximonov bằng tiếng Việt. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp dài chín năm trời, sự chia tay và chờ đợi trở thành tư tưởng chủ đạo đối với hàng triệu gia đình Việt Nam. Vì vậy, khi bài thơ này được dịch ra tiếng Việt, nó đã nhanh chóng lan truyền khắp Việt Nam, và đối với du kích, những người dân thường VN thì nhà thơ xô viết và Konxtantin Ximonov đã hòa nhập với nhau làm một. Nhưng điều đáng kinh ngạc nhất là kết thúc của câu chuyện này. Khi sự nhầm lẫn đã được sáng tỏ, một cô gái nào đó rụt rè đứng lên hát bài: “Báo động xong rồi thành phố ngủ yên. Nghe điệu vanxơ tôi chợt rẽ vào…” Đến đây thì mọi chuyện lại đâu vào đấy, bài hát này chính là “Điệu vanxơ nơi chiến trận” lừng danh của Đolmatovski.

Konxtantin Ximonov sau này cũng đến Việt Nam, nhưng tôi không có dịp gặp ông ở đó. Thế nhưng thơ ca của ông luôn luôn tồn tại cùng chúng tôi. Bài hát phổ thơ của ông “Từ Moskva đến Brest” đã trở thành bài “nhà báo ca” không chính thức của cánh phóng viên thường trú ở Việt Nam. Trong mỗi cuộc liên hoan tự phát sau đợt công tác đặc biệt nóng bỏng và ác liệt, khi đã chuyếnh choáng, thể nào chúng tôi cũng đồng thanh ngân nga bài hát đó, tự cảm thấy thương xót bản thân và ráng sức hát thật to hai câu trong bài thơ của Ximonov, mà người ta đã bỏ đi, không bao giờ hát trong những cuộc biểu diễn chính thức: “Nơi chúng tôi đến, không ai điều cho chiếc xe tăng nào, phóng viên có chết thì cũng chẳng sao…”

Về Moskva, tôi may mắn được gặp Konxtantin Ximonov nhiều lần, tại những cuộc đón tiếp các nhà văn nhà thơ VN. Một trong những tác phẩm cuối cùng của nhà thơ, nhà văn Nga phi thường này là lời nói đầu mà ông viết cho quyển sách “Hồ Chí Minh - tuyển tập thơ văn”. Với âm hưởng lãng mạn, ông đã mở đầu bài viết bằng một đánh giá bất ngờ đối với một vị lãnh tụ chính trị: “Trong dung mạo của ông Hồ Chí Minh có một nét gì đó thuộc về một thi sĩ thâm căn cố đế…”

Marian Tkachov là một trong những chuyên gia xuất sắc nhất về văn học Việt Nam, một dịch giả không ai sánh kịp, đã dịch các tác phẩm của những nhà văn VN nổi tiếng. Tôi còn nhớ, ngay từ năm thứ nhất ở trường đại học, chúng tôi đã được thưởng thức các bản dịch tuyệt vời hai tác phẩm văn học VN là “Dế mèn phiêu lưu kí” và “Bỉ vỏ”. Ông Marian thường sang VN trong thành phần đoàn đại biểu của Hội nhà văn Liên xô. Các nhà văn Việt Nam  thế hệ trước quý mến ông không hề giấu diếm. Nhờ Marian mà tôi đã không chỉ một lần có mặt trong ngôi nhà cổ gần nhà ga xe lửa trung tâm (tức ga Hàng Cỏ - ND) thăm Nguyễn Tuân – nhà văn xuất sắc chuyên viết truyện ngắn, một trong những đại diện cuối cùng của tầng lớp nho sĩ (tiếng Việt trong nguyên bản – ND) ở Việt Nam. Tôi cũng làm quen với nhiều nhà văn nhà thơ VN khác – Đặng Thai Mai, Nam Cao, Nguyễn Đình Thi… Marian là một người có năng khiếu khôi hài rất tinh tế, rất thích nói đùa và đánh lừa, vì vậy, đối với chúng tôi, mỗi cuộc tiếp xúc với ông là một liều thuốc chống trầm cảm thực sự.

Nikolai Xolntsev… Chúng tôi thường gọi đùa ông là “người bạn to lớn nhất của Việt Nam”, do vóc dáng oai vệ của ông. Nguyên là trưởng Ban tiếng Việt của đài truyền hình và đài phát thanh Moskva, vào những năm ấy, ông thường sang VN và thực hiện những phóng sự truyền thanh và những bộ phim truyền hình đầy ấn tượng về cuộc sống chiến đấu hàng ngày của nhân dân Việt Nam.  Trong số đó, theo đánh giá của các nhà phê bình, đáng chú ý nhất là hai bộ phim truyền hình: bộ thứ nhất về Hồ Chí Minh, bộ thứ hai về những người cộng sản Việt Nam Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai.
 

NGUYỄN THỊ KIM HIỀN dịch

Nguồn: Tạp chí Đoàn kết (LB Nga)


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 16
Total: 65206154

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July