Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Ở nơi xa Hà Nội - CHU LAI Ở nơi xa Hà Nội - CHU LAI , Người xứ Nghệ Kiev
 
 
Khi B52 đánh xuống Hà Nội thì tôi đang ở địa bàn ven Sài Gòn thuộc chiến trường đông Nam Bộ. Đây là một vùng cài răng lược rất ác nghiệt, một đơn vị chỉ có thể bám trụ được sáu tháng hay cùng lắm một năm là hết quân, lại phải dắt díu nhau ngược lên rừng già để nằm khểnh cả tháng đón quân ở ngoài kia vào. Chỉ có tiếng vượn hót theo gió ngàn vẳng đến buồn hiu hắt. Lần hết quân này mình còn sống, lần hết quân sau liệu còn không? Thì cũng là hỏi bâng quơ thế thôi chứ chẳng đến nỗi cồn cào vò xé. Bởi nếu trụ lại được ở đây tới ba năm mà chưa chết thì bỗng thành tinh thành cáo khó ngã xuống lắm.
 
Nhưng cũng là ba năm người lính đánh mất đi tất cả những khái niệm cơ bản nhất của một con người: thời tiết, thời gian, giỗ chạp, ngày sinh, gia đình, anh em, cha mẹ, thậm chí khuôn mặt người yêu cũng mờ nhòa dần đi. Chiến tranh mù mịt, ngày nào cũng nổ súng, ngày nào cũng chôn nhau nhưng chưa đến lượt chôn mình, ngày nào cũng căng người vật lộn kiệt sức với sốt rét, với đói khát thì còn đầu óc đâu để nghĩ đến quê nhà nữa. Cầm súng lúc ấy chỉ còn là bản năng tự vệ, kẻ thù giống như một màn đen, mình không xé thủng nó ra thì nó sẽ chụp chết lấy mình, vậy thôi. Lòng yêu nước, chí căm thù địch, lý tưởng chính trị ư? Có đấy nhưng nó lặn sâu vào trong tâm khảm mạch máu rồi, người lính không phải mỗi chốc mà moi nó ra đặt lên đầu súng được, đặt nặng quá, đầu ruồi chúc xuống, còn bắn chác gì được nữa.
 
Cái đêm Hà Nội bị oanh tạc bằng pháo đài bay man rợ ấy, tôi đang nằm dưới hầm mật với một nữ bí thư chi bộ kiêm huyện ủy viên Châu Thành. Tại sao không phải là nằm với một nam bí thư hay một nam xã đội mà lại nằm với nữ? Có nguyên do cả đấy. Sau Mậu Thân, tất cả vùng ven trở thành một vành đai trắng, địch chà đi xát lại nhiều lần, đến con chồn cũng không thoát nổi. Và đã lác đác có hiện tượng nản chí, chiêu hồi xảy ra. Vậy muốn bảo toàn lực lượng thì người chỉ huy bộ đội thường là nằm cùng hầm với người đứng đầu cấp ủy, còn bộ đội thì nằm cùng với du kích, hầm nào biết hầm đó, tuyệt mật, để nếu một hầm bị lộ thì sẽ không thể khi sang hầm khác. Mà không hiểu sao cấp ủy lúc đó lại thường là phụ nữ! Phải chăng người con gái miền Nam trong chiến tranh như ngọn đèn trong đêm, đêm càng tối đen đèn càng sáng rỡ. Phải chăng các chị các em như cây lau cây sậy mọc bên sông, bão táp mưa sa thế nào nó cũng chỉ rạp xuống để rồi khi nắng hửng lên, nó lại vươn mình đứng thẳng, bền bỉ, kiên trung.
 
Ảnh: Vietpalm

Hầm chật, càng chật càng tốt để bớt được số đất đào lên, dễ bị phát hiện. Chật đến nỗi có khi phải nằm tráo trở đầu đuôi thì mới thở được. Tuổi trên hai mươi, chiến tranh không hề làm tàn phai sinh lực, lại nằm kề một thân hình khác giới nóng bỏng, tưởng cái gì cần xảy ra ắt sẽ xảy ra nhưng không! Hai đại lượng tình cảm trái chiều cùng lúc xuất hiện. Một, lúc nào cũng có thể chết, cùng lắm trưa nay, chiều nay, sáng mai những mũi thuốn của đối phương sẽ xăm trúng nắp hầm và lập tức thân thể sẽ làm mồi cho hàng chục những trái mìn Kleymo cùng lúc phóng xuống và… xong, nên thương nhau quá, kính trọng nhau quá mà không nỡ làm gì tổn thương đến nhau. Hai, chính vì lúc nào cũng có thể chết nên không tiếc gì mà không cho nhau tất cả. Và kỳ lạ thay, cái đại lượng thứ nhất thường là chiếm địa vị độc tôn như là một sự mặc nhiên mà không cần phải lên gân, cố gắng gì hết.

Đêm đã về khuya. Cây rừng xao xác gió. Lòng đất im lìm. Có con chôm chôm búng càng khe khẽ đâu đây. Cuộc đời thăm thẳm. Chiến tranh thăm thẳm, biết đến ngày nào mới thắng lợi? Chiếc Transsitor xinh xắn đặt hờ trên bụng em đang nhè nhẹ phát ra một giọng ngâm thơ con gái quen thuộc của Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam mà câu mở đầu cho đến bây giờ, đã sau gần nửa thế kỷ dặc dài nhưng mỗi lần nghe lại cứ nhợn hết cả người: “Ôi Tổ Quốc giang sơn hùng vĩ… Đất anh hùng của thế kỷ hai mươi…”.
 
Giây phút ấy chúng tôi đâu có biết rằng, chỉ hơn hai tiếng đồng hồ sau, trong khi những loạt pháo Tân Tây Lan từ căn cứ Lai Khê trên trục lộ 13 đua nhau dộng vào rừng thì cũng là lúc trái bom B52 đầu tiên đã đánh xuống Hà Nội. Và đánh suốt 12 ngày đêm liền. Bắt đầu nghe tin ấy trong lòng cũng chưa thật cộm lên một chấn động gì ghê gớm lắm. Thì cũng là B52 thôi, đánh đâu chả là đánh, ngay cục rừng bên sông này nó đã đánh bồi đánh nhồi, đánh tơi tả hàng trăm đợt rồi đó sao. Nhưng rồi khi nghe giọng một phát thanh viên trên đài nghèn nghẹn thông báo chúng đã dã man đánh xuống nhà thương Bạch Mai, đánh xuống khu phố Khâm Thiên làm hàng trăm người chết và bị thương thì đầu óc mới chợt bừng tỉnh, đau nhói.
 
Cả Hà Nội với biết bao kỷ niệm, cảnh vật, con người phút chốc hiện về sắc cạnh. Mẹ tôi trước khi nghỉ hưu cũng đã từng làm ở cái nhà thương lớn nhất Hà Nội ấy, dãy phố Khâm Thiên nhà cửa san sát kia đã có bao lần tôi và cô bạn gái trường Trưng Vương của tôi lững thững đạp xe qua để hướng về khu hồ Thiền Quang ngồi im lặng rất lâu bên nhau bên một cốc café đá mát lạnh. Rồi Yên Viên, rồi Giáp Bát nữa, nơi nào cũng chất chứa đầy ký ức đi về, hợp tan, xa cách đang từng phút quằn lên dưới những tiếng rú hủy diệt kinh thiên.
 
B52 đánh xuống sông nước, bưng biền, rừng trảng nơi đây quen rồi, chuyện vặt, một trăm quả may lắm trúng một quả, sống nhăn nhưng nó đánh xuống một vùng đô thị san sát nhà cửa, dày đặc dân cư thì đúng là khốn nạn, hèn hạ đến tột độ! Toàn thân bỗng thấy châng lâng, khắc khoải đến tê dại không hiểu cha mẹ, bạn bè, cô gái ấy có bị sao không? Cả đêm không ngủ được, cứ để mặc cho nước mắt rịn ra trong nỗi bất lực và thương xót bủa vây, thít chặt đến nghẹt thở. Người nữ bí thư xã nằm bên cạnh tỏ ra thấu hiểu, cũng trằn trọc không ngủ, chỉ khẽ buông một tiếng thở dài rồi chốc chốc lại lặng lẽ đưa bàn tay gầy guộc vỗ nhè nhẹ vào bờ vai để trần của tôi.
 
Và hôm sau, khi tuần trăng đã lặn, đợt tiến công mới bắt đầu, chúng tôi lại vùi mình vào trận. Chỉ khác lần vào trận này không còn cái cảm giác mơ hồ mang thuần tính bản năng tự vệ như trước nữa mà trong mỗi thước bò rào, mỗi trái thủ pháo ném ra, rõ ràng là có cả những uất nghẹn rất cụ thể về sự khao khát trả thù cho Hà Nội thân yêu và xa vời chuyển động trong cơ thể. Cho cả em tôi, giờ này đang ở đâu, làm gì, thân gái mỏng manh có chịu được sức nặng bạo tàn của đòn đánh tàn bạo nhất thế kỷ ấy không? Cầu mong tất cả cho mọi sự an toàn.
 
 
C.L 
                                  Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65205297

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July