Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Giới thiệu TRƯỜNG CA RỪNG CỔ TÍCH của Đặng Bá Tiến Giới thiệu TRƯỜNG CA RỪNG CỔ TÍCH của Đặng Bá Tiến , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

Trường ca Rừng cổ tích (NXB Hội Nhà văn) là tác phẩm của ĐẶNG BÁ TIẾN mới ra mắt bạn đọc trong tháng 10.2012. Xin được trân trọng giới thiệu 2 bài viết của nhà thơ Vương Trọng và nhà thơ Lê Vĩnh Tài về tác phẩm này.

                                                                 Bia Rung co tich nho.jpg, 303 KB     

               MỘT TRƯỜNG CA THẤM ĐẪM CHẤT TÂY NGUYÊN

                                                                        Nhà thơ Vương Trọng

     Tây Nguyên ít núi và núi không cao nên không có quang cảnh núi non hùng vĩ như Việt Bắc, Tây Bắc; bù vào đấy là những cánh rừng bạt ngàn, linh thiêng và bí hiểm. Đất bazan màu mỡ ngàn đời đã nuôi dưỡng những cánh rừng, đời đời ôm ấp làng bản và nuôi dưỡng con người các bộ tộc Tây Nguyên. Rừng đâu chỉ cho người gỗ quý để dựng nhà, thú rừng, rau rừng để làm thức ăn…mà còn nuôi người bằng tiếng chim, nhạc suối, tạo ra một nền văn-hoá-rừng cho từng làng bản. Từ ngàn đời, thật khó hình dung một Tây Nguyên không có rừng, khi đó Tây Nguyên chắc không còn là Tây Nguyễn nữa.

   Thế nhưng những năm gần đây, chuyện Tây Nguyên không rừng có nguy cơ thành sự thật. Là một nhà báo xông xáo và dũng cảm, Đặng Bá Tiến đã nhiều lần viết bài báo động điều này, anh tìm nguyên nhân, tìm cách lý giải tại sao rừng Tây Nguyên lại mất đi với tốc độ chóng mặt. Nhưng Đặng Bá Tiến còn là một nhà thơ, những bài thơ lẻ viết đề tài này anh thấy chưa đủ, chưa “hả”, nên dồn sức viết thành trường ca “Rừng cổ tích” mười chương mà anh gọi là mười khúc. Một người lính quê hương xứ Nghệ, những năm kháng chiến chống Mỹ đã chiến đấu ở Tây Nguyên, ơn rừng che chở, nuôi dưỡng, cảm vẻ đẹp huyền bí của rừng, nên khi nước nhà thống nhất, anh không trở về quê hương mình như nhiều đồng đội khác, mà trở lại Tây Nguyên làm công nhân lâm trường, trồng cây, bảo vệ rừng. Hoàn cảnh ấy, cộng với tình yêu của anh với cô gái Ê Đê là điểm tựa cho cảm hứng của trường ca. Có người nói rằng trường ca là thể loại để nhà thơ thể hiện “cảm hứng lớn” của mình, để giải toả hết những nỗi niềm ẩn chứa. Định nghĩa đó thật đúng với với “Rừng cổ tích”. Đọc cả mười chương của trường ca ta cảm nhận được cảm hứng của người viết, khi yêu thương, lúc căm giận, cả hai trạng thái tình cảm trái ngược này đều được “cháy” đến tận cùng. Khi xa Tây Nguyên, người lính lưu giữ trong mình những hình ảnh đẹp:

Ấy là những buổi chiều

bên này Sê Rê Pôk ẩn giữa lá xanh

ngắm những cô gái M’nông, Ê Đê bờ bên kia đùa nhau trên bến tắm

ngắm đàn voi đủng đỉnh hút nước phun mưa như thủy tinh long lanh trong nắng

nghe tiếng tù và dìu dặt gọi trăng lên…

Nhưng Tây Nguyên không chỉ níu gọi anh từ ký ức với phong cảnh núi rừng, làng bản, mà còn những mùa vụ, lễ hội, tập tục mà chỉ cần gọi tên là sống dậy trong lòng anh bao hình ảnh. Tất cả thôi thúc anh trở lại nơi này. Khi xa, không chỉ anh thương nhớ, mà hình như Tây Nguyên cũng nhớ anh, đợi anh, nên đã mở lòng đón anh ngày trở lại:

“anh ôm vào ngực

bó dã quỳ vàng rực

ân huệ của mẹ thiên nhiên

ân huệ của cuộc đời

dã quỳ như nụ cười chào đón

dã quỳ như nụ hôn dành tặng riêng anh

dã quỳ như ánh mắt long lanh của người yêu chung thủy”.

Mười năm về trước, anh rời quê hương, xa mẹ lên Tây Nguyên để đánh giặc, còn lần này anh rời quân ngũ, xa đồng đội trở lại nơi này để trồng cây, giữ rừng. Càng gần rừng, càng hiểu và yêu rừng hơn, nhưng đồng thời anh cũng chứng kiến một thực tế là rừng đang mất đi từng ngày. Tác giả Đặng Bá Tiến cùng nhiều người trong chúng ta cùng chứng kiến thực tế đó. Rừng biến thành làng bản, rừng thành những nông trường cà phê, cao su…Sự đổi thay này đem lại lợi ích không nhỏ về kinh tế ( năm 2012 này Việt Nam đã vượt Brazin để trở thành nước xuất khẩu cà phê số một thế giới), nhưng kéo theo nó nạn phá rừng tràn lan, làm cạn kiệt nguồn nước ngọt và sa mạc hoá đất đai. Là một nhà báo sắc sảo, Đặng Bá Tiến biết phân biệt các đối tượng tàn phá rừng khác nhau, có những người thật đáng thương, và có lắm kẻ cần lên án. Đáng thương là đồng bào dân tộc Tày, Nùng di cư từ các tỉnh biên giới phía Bắc vào:

“đất gặp gỡ bàn tay xứ Nam xứ Bắc

đất trải lối mòn đi gặp đất

trải con đường vào giữa rừng sâu

bên niềm vui tươi mới ban đầu

anh chợt nhói lòng khi thấy rừng rung lên nghiêng ngả

nghiêng ngả đại ngàn

đảo điên cổ thụ

nhựa cây tuôn trào như máu ứa luênh loang”.

Trước hành động phá rừng của những người đáng thương này, anh bình tĩnh giải thích về lợi ích của rừng cho đồng bào rõ để hạn chế sự phá rừng tràn làn, không lường tới hâu quả hành động của mình đem lại. Nhưng thủ phạm chính của bọn phá rừng anh muốn lên án là bọn lâm tặc, lâm tặc chính danh và lâm tặc mang bộ mặt quan chức nhà nước “phá rừng bằng chữ ký”. Ở phần này khả năng viết phóng sự đã được tác giả vận dụng, người đọc gặp nhiều chi tiết, tình tiết sống động và thái độ lên án gay gắt của tác giả:

 “chúng ngấu nghiến ăn rừng trong bóng tối

ăn rừng giữa bạch nhật, thanh thiên

chúng nuốt cả cây gỗ dài như sợi bún

chúng ngủ mơ cũng thấy gỗ chập chờn

chúng bán, mua cả rừng gỗ giản đơn

bằng những dự án đỏ lòm con dấu

và bầm tím những mưu đồ ẩn náu

chúng nháy mắt nhau là rừng đổ ào ào

những cánh rừng đẫm máu thương đau

voi phơi xác cho quạ, diều mở tiệc "

 Trước thực tế nạn phá rừng diễn ra với quy mô lớn như vậy, anh đã phản ánh với các cấp chính quyền, nhưng không thu được kết quả gì đáng kể. Chuyện trong đời là thế! Nếu là phóng sự thì đành phải dừng lại ở phần “không có hậu” này. Nhưng là thể loại trường ca cho tác giả và bạn đọc có quyền mơ ước, nên lời gọi cứu rừng đã được những người đồng đội từ mọi nơi tìm về đáp ứng. Phẩm chất người lính trong thời bình lại được thể hiện và được ngợi ca:

“người đang sống có trong mình ngọn lửa

của cả người đã khuất tiếp niềm tin

những người cựu binh

lại dầm sương nằm đất

lại ngày đêm luồn lách giữa rừng già”.

Và, anh cùng đồng đội đã “vạch mặt, chỉ tên” những kẻ phá rừng, để rừng hồi sinh:

“những gốc cây cụt đầu

lại hé chồi xanh biếc

con suối chết hồi sinh

nước ngọt lại tuôn dòng

bóng mát lại xòe trên bến nước

thong dong

các chị các em gội đầu chải tóc

bầy sóc lại giỡn trăng

và uống những giọt sương trong vắt...

 Trong mười chương của Rừng cổ tích, có một chương viết về tình yêu giữa chàng trai xứ Nghệ với cô gái Ê Đê. Đây là cơ hôi để tác giả thể hiện sở trường của mình khi anh không chỉ thông thạo cả hai vùng đất mà còn tường tận hai vùng văn hoá.

“Ôi câu ay-ray

ôi câu ví dặm

ta muốn rước về ở chung một buồng tim

ta muốn đưa về ở chung một bếp

ta muốn chiều chiều ngồi trên bến nước

nghe khúc ay-ray và nghe câu ví dặm ân tình

ta muốn đứa con yêu thương của ta được ru bằng câu ví dặm của cha

được nựng ngọt ngào bằng lời ay-ray của mẹ”…

    Trường ca Rừng cố tích thấm đẫm chất Tây Nguyên, có bố cục chặt chẽ, diễn đạt với lời thơ đầy cảm hứng. Đọc trường ca này người đọc không chỉ hiểu thêm, yêu thêm vùng đất này mà còn trân trọng ý thức công dân, trách nhiệm công dân của tác giả trước tình trạng Tây Nguyên mất rừng, mất đi nơi sản sinh và chứa đựng văn- hoá- rừng đặc sắc.

                                                    Tháng 8- 2012

                                        

 

        ÁM ẢNH RỪNG TRONG TRƯỜNG CA CỦA ĐẶNG BÁ TIẾN

                                                                        Nhà thơ Lê Vĩnh Tài

     Khi nhiều thứ trong cuộc đời đã hóa thành cổ tích thì tôi được đọc trường ca RỪNG CỔ TÍCH của nhà báo - nhà thơ Đăng Bá Tiến, nối dài thêm những cái tên của các nhà thơ đương đại viết trường ca về vùng đất Tây Nguyên.

     Có những cái tên mang âm hưởng của sự cảnh báo và dự đoán, nhưng cái tên của trường ca này không mơ hồ như thế, mà là sự thật đến phũ phàng của Tây Nguyên hôm nay. Chữ RỪNG chùng xuống nghẹn ngào và CỔ TÍCH vút lên lần cuối cho sự mất rừng ở xứ sở nổi tiếng một thời khi chiều xuống loang đầy rừng lạnh. Trước & sau trường ca này, RỪNG còn ám ảnh bao nhiêu nhà thơ nữa trong vang vọng của chữ và dự đoán của thi sĩ? Chữ CỔ TÍCH không những làm tính từ, bổ nghĩa cho chữ RỪNG mà còn phải bổ nghĩa cho bao nhiêu điều/thứ/cái nữa chúng ta đành buông tay để mọi thứ thành CỔ TÍCH giữa thế kỷ 21 này?

     Ám ảnh RỪNG chạy xuyên suốt 10 chương của trường ca. RỪNG là cánh cửa mở ra, cũng chính là cánh cửa để khép lại, nhưng không kết thúc mà hướng người đọc đến những cảm xúc khác. Sự đau đớn vì con người đã tàn phá một vùng thiên nhiên hùng vĩ đến cạn kiệt cứ xoáy mãi vào lòng người đọc hôm nay. Tiếng dội của nó còn âm vang ở bên ngoài tác phẩm, tê dại.

     RỪNG CỔ TÍCH có cấu trúc 10 chương, với 2 chương cuối HỒI TƯỞNG & VĨ THANH có dung lượng nhỏ nhắn như một bài thơ trữ tình mà tác giả hóa thân thành nhân vật “ANH” của câu chuyện trữ tình để khép lại sự đau đớn và tuyệt vọng, ánh lên lần cuối sự lạc quan mà ít người làm thơ hôm nay vẫn còn giữ được:

         CHƯƠNG IX: HỒI TƯỞNG

         Mười năm

         rồi… ba mươi năm trôi

         đêm nay anh ngồi bên dòng Sê Rê Pôk

         mẹ thương anh héo lòng

         đã về cùng cái đất

         H’Lan chờ anh tóc đã sợi trắng, sợi xanh

 

         30 năm

         đám cưới chưa thành

         sống giữa thời bình mà thời gian hẹp quá

         người chờ đợi vẫn ngồi mòn bậc đá

         nửa trái tim anh vẫn thao thức nỗi rừng…

 

         30 năm anh nào có phút dừng

         mà chẳng kịp tới hôn trường khi son trẻ

         mà chẳng kịp làm vui lòng mẹ

         mẹ ơi

         mẹ thương con xin thương cả những dại khờ

 

 

         CHƯƠNG X: VĨ THANH

 

         Từ ấy

         giữa rừng Bản Đôn có căn gác đơn sơ

         vợ chồng người gác rừng sống với lá hoa, muông thú

         cổ thụ chín tầng cành, xòe ô che chở

         mỗi ban mai chim hát, múa quanh nhà  

         mỗi chiều tà

         tù và lại rúc lên bổng trầm tha thiết

         cây nghe tiếng tù và xanh biếc, đầy hoa

         chim nghe tiếng tù và lời ca thêm thánh thót

         voi nghe tiếng tù và ngà mọc dài thêm…

 

         Rừng Bản Đôn nổi tiếng linh thiêng

         mấy thế kỷ sau tiếng tù và còn vọng

         giữa rừng đêm lúc trầm lúc bổng  

         như ru cây, ru muông thú ngủ yên lành

         như người gác rừng chưa khuất

         vẫn cầm canh

         giữ cho rừng bình yên mãi mãi!

 

     Tám chương còn lại “RỪNG” & “ANH” thay nhau là nhân vật của cảm xúc thẩm mỹ. Cái mà nhà thơ tìm kiếm vẫn nằm trong mạch kể chuyện của một trường ca cổ điển, nhưng nó lôi cuốn chúng ta bởi tiết tấu, vận tốc của chữ, cú pháp, cách diễn đạt… Tất cả đều tràn đầy nồng nhiệt của một người yêu rừng như con trai yêu người Mẹ. Những cơn sóng dồn dập từ lúc:

 

         Ấy là những đêm hành quân

         được chợp mắt trong hương rừng

         trong tiếng suối ru

         trong bàn tay vuốt ve của lá

         anh đã mơ…

 

Một chút binh đao khói lửa chiến tranh được gợi lại làm đề từ:

        

         hết Tây Nguyên

         tràn về Bình Phước, Đồng Nai

         anh đi

         nhưng tâm trí tình yêu ở lại

         với cánh rừng bạt ngàn

         dòng sông thác trắng, hùng vĩ, mộng mơ

Để cuối cùng “ANH” trở lại “RỪNG”:

         anh tự dặn mình phải trở lại nơi đây

         trở lại với điệp trùng rừng cây

         trở lại với những mùa lễ hội

         những mùa săn voi

         những đêm ăn trâu

         những ngày cúng thần bến nước, cúng thần cây đa

         những đêm rượu cần mềm môi

         những ngày tìm ong

         những ngày lấy măng

         những mùa trỉa bắp…

 

         Sẽ trở lại nơi này

         sống chết với đất này

         anh nguyện với lòng anh!

       Những biến tấu này không có gì khác hơn là tình yêu cháy bỏng với RỪNG, là tiếng gọi tha thiết: RỪNG ƠI…

       Tám chương còn lại, số 8 tình cờ hay nhà thơ cố ý, để 8 cuộc ganh đua về âm thanh và chữ nghĩa chạy theo nhau suốt từng chương, cả khi nhà thơ thương quê mới ngẫu hứng nhớ về quê cũ:   

        ngả nghiêng với nỗi nhớ quê

      dẫu làng Chùa nơi anh cắt rốn, chôn nhau tháng tám ngày ba sống nhờ đọt mưng, khoai chạc

        nỗi nhớ mẹ cồn lên như ghềnh như thác

        năm nay mẹ đã bảy mươi tròn

        ngày anh đi đã nửa đầu tóc bạc

        giờ mẹ còn ngồi vuốt ngực đợi chờ anh?

        người yêu giờ đã lỡ tuổi xuân xanh

        đã lấy chồng?

        hay còn chờ anh thì khổ

        ngày chia tay cả nụ hôn cũng vội vàng dang dở

        dang dở cả ngàn đêm

        không tròn giấc ngủ…

      Cắt ngang những tâm sự ấy, nhà thơ trở lại với ám ảnh truyền kiếp của RỪNG. Rõ ràng RỪNG quyến rũ nhà thơ hơn cả, kéo “ANH” vào những con chữ, đôi khi làm “ANH” quên kể chuyện với những thi hứng bất ngờ. Tình yêu, và bây giờ là sự tuyệt vọng khi RỪNG đã mất, là điểm xuất phát và cũng là cái đích của “ANH”. Nhưng quan trọng nhất, những tình cảm ấy rất cổ điển, rất thơ.

    “ANH” làm trung tâm thì “RỪNG” làm đối trọng, cả hai thay nhau vị trí như người đang soi gương, gặng hỏi, tha thứ, đau đớn, trách móc, những khía cạnh nhỏ nhất, vô định nhất của tâm hồn nhà thơ. Không phải ngẫu nhiên mà nhà báo – nhà thơ Đặng Bá Tiến rất say mê chụp ảnh, vì “ANH” luôn luôn muốn ngắm nhìn thế giới xanh biếc, ngắm nhìn “RỪNG” qua ống kính của mình, ống kính tâm hồn và ống kính nghệ sĩ. Con đường làm anh chọn lựa vùng đất này và cũng là con đường để anh dấn thân thành nghệ sĩ, tìm những khúc quanh của đời mình, lý giải hành trình đến với thơ ca và nghệ thuật.

     Một chi tiết thú vị khi anh cho câu hát ay-ray và câu ví dặm hợp hôn với nhau, như máu của chàng trai Xứ Nghệ chảy trong tim của cô gái Ê Đê, như RỪNG gặp BIỂN, như Lạc Long Quân gặp Âu Cơ trong truyền thuyết lãng mạn sinh ra dân tộc. Cuộc tình ảo hay thật này đã làm cho hai nền văn hóa lồng vào nhau, như người nghệ sĩ hàng ngày soi gương và tự vấn. Nó là âm hưởng của những phản chiếu, những thay đổi của chính Tây Nguyên những tháng ngày này:

        Ôi câu ay-ray

        ôi câu ví dặm

        ta muốn rước về ở chung một buồng tim

        ta muốn đưa về ở chung một bếp

        ta muốn chiều chiều ngồi trên bến nước

        nghe khúc ay-ray và nghe câu ví dặm ân tình

        ta muốn đứa con yêu thương của ta được ru bằng câu

        ví dặm của cha      

        được nựng ngọt ngào bằng lời ay-ray của mẹ

        nó sẽ lớn lên với vóc hình dũng sĩ

        có tâm hồn thiết tha như câu ví

        và nồng nàn mơ mộng như điệu ay-ray

       RỪNG đã mất. Nhưng thời gian và ám ảnh liệu có còn? Và đó là sự níu giữ của trường ca với những suy nghĩ về hiện tại đang diễn ra, hoang mang vì sự ngắn ngủi, mong manh… gần như không tồn tại của nó. Điều đau xót đến vô lý này đã xảy ra ở Tây Nguyên, và đã lấy đi của chúng ta một trong những vùng rừng đẹp nhất, RỪNG CỔ TÍCH và không biết bao nhiêu chữ nghĩa đã đổ xuống còn hơn nước mắt Nữ Thần Mặt Trời, để kêu cứu và tuyệt vọng cùng RỪNG.

       RỪNG đã mất. Nhưng ký ức về RỪNG thì sẽ còn mãi mãi trong thơ ca, trong nhiếp ảnh và nghệ thuật của những nghệ sĩ bám trụ ở vùng đất này như Đặng Bá Tiến, để giữ lại những ánh sáng văn hóa, bập bùng mãi không thôi. Bằng cách thắp lửa như vậy, nhà thơ đã chạm tới những kỷ niệm thiêng liêng, những nguyên lý riêng bí hiểm nhất, cuồng dại nhất, đau đớn nhất…

                                         *

    Đương nhiên, những tập thơ hay nhất là những tập thơ ảo, nhưng chúng ta cần những tập thơ thật sự và có ích hơn là cứ mong chờ tuyệt vọng một tập thơ đẹp nhất chưa bao giờ viết ra. Điều quan trọng nhất là tình yêu. Bằng tình yêu, nhà thơ đã không ngừng ươm mầm cho thơ, cho cuộc đời, cho tương lai… để vùng đất này luôn xứng đáng với tên gọi: Một vùng sử thi.       

     Với những chuyện Khan chưa bao giờ dứt bên bếp lửa nhà dài và bây giờ là những trường ca, Tây Nguyên đang là vùng đất của hạnh phúc, vì nền văn học đa dân tộc, đa màu sắc, đa văn hóa đang hiện hữu và múa hát tại đây, quanh ché rượu cần này, những lời yêu này và đang chảy trong máu…

                                                            Phố Núi, ngày có người về xứ biển

                                                                          Tháng 8 - 2012

                                                                Trích từ blog của Đặng Bá Tiến

                                                          


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65200395

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July