Vùng châu thổ sông Hồng không chỉ nổi tiếng về giống lúa tám xoan, mà các loại lúa nếp vùng này tiếng tăm cũng lan xa. Mỗi lần về quê vào những mùa gặt, trên con đường về làng qua cánh đồng thơm mùi lúa mới, những người con xa trở về lại cảm nhận quê hương thật gần gũi. Qua những đoạn đường bà con phơi rơm, ai đã từng gắn bó với đồng đất quê hương cũng có thể phân biệt từng loại lúa qua hương thơm và màu sắc óng vàng của từng sợi rơm, đặc biệt mùi thơm của lúa nếp cái không thể lẫn- một mùi thơm man mát dễ chịu...
Nếp cái là một trong những sản phẩm nông nghiệp đặc sản của bà con nông dân miền Bắc một thời. Chất đất phù sa bồi và đất thịt nặng ven gốc sông, cửa biển phù hợp với lúa và cũng là loại đất lý tưởng để trồng lúa nếp. Nếp cái từng được người dân tại các tỉnh Nam Ðịnh, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Dương, Hải Phòng…. trồng rất nhiều. Giống nếp này được người dân thuần hóa từ rất lâu đời. Vốn dĩ nguồn gốc của nó từ xa xưa được trồng ở vùng cao. Nếp cái có hạt thóc to, mẩy, phía đầu hạt nếp có một cái râu dài. Loại lúa này thích hợp với những thửa ruộng chân vàn, không cao cũng không thấp.
Nếp cái rất dẻo và thơm, nhưng khi chế biến nếu không khéo dễ bị nhão. Gạo nếp cái rất thích hợp để đồ xôi và làm các loại bánh. Do đặc tính đó, hiện nay những chủ cửa hàng làm cốm tại Hà Nội rất ưa chuộng và nhập với số lượng lớn lúa nếp cái của bà con nông dân tỉnh Thái Bình làm nguyên liệu cho bánh cốm.
Nếp cái còn được gói bánh chưng vừa dẻo, vừa rền. Ngoài ra còn được dùng làm nguyên liệu để nấu rượu, cho sản phẩm rượu rất ngon và đặc trưng. Ở thành phố Nam Ðịnh xưa có các loại bánh nổi tiếng như bánh phu thê, bánh trôi, bánh dầy giò, bánh khúc... người ta cũng thường làm bằng nếp cái. Những người đã từng được thưởng thức những chiếc bánh và nói chung là thực phẩm được chế biến từ nếp cái thì khó có thể quên.
Điều đáng buồn là bà con nông dân vùng châu thổ sông Hồng bây giờ không còn thiết tha trồng nhiều nếp cái như trước đây. Bởi có lẽ vì năng suất nếp cái không cao, chăm sóc vất vả vì khả năng chống chịu sâu bệnh của giống lúa này cũng hạn chế… Chủ yếu bây giờ người ta trồng loại nếp khác năng suất cao hơn và khả năng chịu sâu bệnh tốt hơn, chất lượng cũng từa tựa như nếp cái hoa vàng.
Thời hiện đại, trồng cây gì người ta phần lớn đều phải tính đến sản lượng, năng suất. Có lẽ cũng vì tâm lý đó mà nhiều loại giống cây trồng một thời là đặc sản của một vùng đang dần biến mất như nếp cái, nếp thầu dầu...
Riêng tôi, cứ mỗi dịp giỗ chạp, về quê đón Tết, trong mâm cỗ, tôi vẫn thấy tiếc không còn được ăn miếng xôi, miếng bánh chưng gói bằng nếp cái, nếp thầu dầu, thèm ly rượu nấu từ nếp cái... Cảm thấy như thiếu đi một nét đẹp truyền thống của quê hương.
Thanh Thảo