(Ảnh: yume.vn)
Khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất một buổi tối mùa hè năm 1972, ngỡ ngàng trong trong ánh sáng chói chang của những ngọn đèn đường, tôi không ngờ rằng mình sẽ ở lại thành phố này suốt bốn thập niên. Thật ra, trước đó, từ hồi học cấp 2, tôi đã được vô thăm thành phố hai chuyến vào dịp hè, nhưng chỉ là để nhìn ngắm như nhìn thế giới của những món đồ chơi lạ lẫm hơn là khám phá và tìm hiểu. Lần này tôi biết mình phải tìm cách thích ứng với nó và cố gắng để không là kẻ lạc lõng giữa đô thị.
Những ngày tháng đầu tiên đó tôi vẫn còn nhớ rõ. Trước khi mua được chiếc xe Mobylette, tôi đi theo những chuyến xe lam mà tìm hiểu Sài Gòn. Tôi tìm đến toà soạn báo Tuổi hoa và Trình bày, nơi đăng hai bài báo đầu tay của mình, nhưng chỉ đứng bên ngoài mà không dám bước chân vào. Chiều cuối tuần, tôi lang thang trên vỉa hè lát đá từ nhà thờ Đức Bà, theo đường Tự Do, xuôi về bến Bạch Đằng. Nhiều lần tôi đứng một mình ngay góc phố chỉ để nhìn xe cộ ngược xuôi và cảm nhận rằng mình đang hoà vào nhịp đập của thành phố, từng bước được thành phố đón nhận như một tế bào của nó.
Càng ở lâu Sài Gòn, tôi càng hiểu vì sao những người nghệ sĩ, từ mọi miền đất nước, đều muốn tiếng nói nghệ thuật của mình cất lên giữa thành phố xô bồ và náo nhiệt này. Bởi lẽ không gian Sài Gòn là nơi tiếp âm thuận lợi nhất cho những giọng điệu. Và tôi hình dung ra niềm hạnh phúc của Từ Công Phụng khi lần đầu tiên ra mắt khán giả trong khuôn viên trường Đại học Văn khoa; niềm vui của Phạm Văn Hạng trong triển lãm đầu tiên ở Pháp văn Đồng minh hội; cũng như những dự phóng của Lê Cát Trọng Lý tượng hình khi cô cất lên tiếng hát của mình trong một quán cà-phê bé nhỏ trên đường Ngô Thời Nhiệm…
Dù sao, 40 năm làm cư dân thành phố vẫn chưa đủ để nói rằng tôi hiểu được Sài Gòn. Thú thật, Sài Gòn bây giờ cũng như Sài Gòn ngày trước vẫn gợi ra cho tôi nhiều câu hỏi. Thời sinh viên, để có tiền chi tiêu, một kỳ hè anh Phạm Khiết (sau này là phóng viên báo Người Lao Động, vừa mất năm rồi) rủ tôi nhận trồng cây, chăm sóc vườn hoa và hòn non bộ trong mấy biệt thự trên đường Tú Xương. Lần khác, tôi lại theo làm kế toán cho một tốp thợ xây một cái nhà kho ở bến Phạm Thế Hiển, quận 8, buổi trưa cơm bụi và cà-phê đá ngoài quán cơm bình dân. Sài Gòn hôm qua và Sài Gòn hôm nay cứ như những thước phim quay chậm đan cài lẫn nhau. Nhiều lần tôi muốn viết một điều gì đó về “Sài Gòn bề mặt, Sài Gòn bề sâu” (chữ của Lý Chánh Trung) mà ý tưởng mông lung vẫn không thể định hình.
Hôm ra mắt cuốn Sài Gòn tạp văn ở công viên Văn Thánh, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có một nhận xét rất hay: Khán giả Đà Nẵng, Hải Phòng hay Nam Định xem bóng đá ngồi trong sân Chi Lăng, Lạch Tray hay Thiên Trường mà không ủng hộ đội nhà lại đi cổ vũ cho đối thủ, thì hãy liệu hồn, coi chừng chạy mất dép. Còn nếu họ ngồi trên sân Thống Nhất mà muốn reo hò cổ vũ cho đội bóng quê hương đang đá trên sân khách thì cứ vô tư đi! Điều đó không chỉ thể hiện lòng cởi mở, sự biết điều của con người một vùng đất, mà còn là một quan niệm sống. Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh không phải là một địa phương mà là một tập hợp, một trung tâm có sức thu hút và dung hoà những đối cực. Sài Gòn mà khép kín, hẹp hòi, thủ cựu thì đâu còn là Sài Gòn nữa.
Mai Quỳnh Nam, người bạn tôi quen 25 năm nay, hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, vốn là một trong những phóng viên chiến trường trẻ nhất đã đi cùng nhà văn Nguyễn Trọng Oánh vào Sài Gòn ngay từ chiều 30-4-1975. Từ ấy đến nay, vì công việc, anh đã vào ra thành phố này hầu như hàng năm. Có lần anh nói, ấn tượng không thay đổi làm anh cảm động nhất là sự ân cần của người Sài Gòn. Vẻ ân cần của những người sinh viên trong tình cảm thầy trò. Vẻ ân cần của những người trí thức thường được gọi là “trí thức tại chỗ” mà anh có dịp tiếp xúc. Vẻ ân cần của người lái xe ôm, người bán quán cóc mỗi khi anh hỏi đường. Tôi bảo anh, có thể là anh may mắn và chỉ ở đây những đợt ngắn ngày, nên có cái nhìn lạc quan chăng. Dù sao, tôi vẫn thầm mong anh giữ mãi được ấn tượng đó.
Cuối năm, nhân viết lời giới thiệu cho một cuốn sách của Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ, tôi tình cờ đọc được một bài báo của nhà văn Thiếu Sơn viết về Sài Gòn năm 1944: “Ở Sài Gòn, những bức tường ngăn cách hầu như không kiên cố là bao, vì ở đây thiên hạ đông đảo, cá nhân như cảm thấy bị hút ở trong một hoàn cảnh to lớn, như cảm thấy ở đời không phải “duy ngã độc tôn” và như muốn hoà đồng với xã hội… Chính nhờ những liên lạc về xã giao như thế mà Sài Gòn có được một hoàn cảnh tinh thần đủ đương đầu với cái hoàn cảnh vật chất xa hoa (…). Chúng ta đã thấy những tay ký giả Pháp cộng sự với những nhà viết báo người Nam. Chúng ta còn thấy trong làng văn khắng khít những anh em Trung – Nam – Bắc (…). Mỗi lần có dịp đi chơi xa, tôi thường hăng hái lúc ra đi, nhưng lại lật đật mong trở về để hô hấp cái không khí tinh thần của nơi thủ phủ miền Nam đất Việt” (Nam Kỳ tuần báo, số 77, tháng 3-1944).
Sau bảy thập niên, qua những biến thiên của lịch sử, Sài Gòn bây giờ đã thay đổi biết bao: cảnh và người, mức sống và lối sống, phong thái và quan niệm… Nhưng cái cảm giác “hăng hái lúc ra đi, nhưng lại lật đật mong trở về để hô hấp cái không khí tinh thần” của Sài Gòn có lẽ vẫn còn được nhiều người hôm nay chia sẻ.
Những câu chuyện Sài Gòn, như những thước phim quay chậm, kể hoài không bao giờ dứt.
Huỳnh Như Phương