Nhà thơ Vi Thùy Linh: “Xuân Quỳnh là một đại dương của yêu thương” Nhà thơ Vi Thùy Linh: “Xuân Quỳnh là một đại dương của yêu thương” , Người xứ Nghệ Kiev
Mỵ Lương Thứ hai, ngày 10/10/2022
Bước ra từ khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội sau khoảng thời gian hơn 2 tiếng theo dõi đêm thơ – nhạc – kịch “Hoa cúc xanh” tối 6/10, nhà thơ Vi Thùy Linh với đôi mắt bị trôi, lem mascara xuống gò má vì chị đã khóc.
Trò chuyện với PV Dân Việt, nhà thơ Vi Thùy Linh thừa nhận, chị nghẹn ngào với cảm xúc lắng đọng khi theo dõi chương trình đêm thơ – nhạc – kịch "Hoa cúc xanh" nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của nhà thơ Xuân Quỳnh. Ngoài ra, tác giả của tập thơ "Phim đôi – Tình tự chậm" cũng tiết lộ lý do chị thần tượng, ngưỡng mộ nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.
"Ở tuổi 43, tôi vẫn luôn xúc động khi đọc về Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh"
Cảm xúc của nhà thơ Vi Thùy Linh thế nào khi theo dõi đêm thơ – nhạc - kịch "Hoa cúc xanh" diễn ra trong hai ngày 5 – 6/10 vừa qua nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của nhà thơ Xuân Quỳnh?
- Mùa thu năm nay là tròn 27 năm tôi cống hiến cho thi ca. Bản thân tôi cũng là nhà thơ tiên phong trong việc trình diễn, đưa tác phẩm lên sân khấu với mong muốn thi ca phải được thể hiện một cách sang trọng. Bởi vậy, việc tôn vinh (tôi không thích dùng từ tri ân vì theo tôi điều đó hơi cổ điển, hơi già) nhà thơ Xuân Quỳnh với chương trình đêm thơ – nhạc – kịch "Hoa cúc xanh" là dịp chúng ta được gặp gỡ bà.
Trước đó, chúng ta vẫn gặp gỡ nhà thơ Xuân Quỳnh trong việc tự đọc, trong những tình ca chúng ta nghe…
Điều đặc biệt khi đến với đêm thơ – nhạc – kịch "Hoa cúc xanh", chúng ta được gặp nhà thơ Xuân Quỳnh trong sự hóa thân qua những giọng nói của những nghệ sĩ kịch khiến tôi vô cùng xúc động.
Nói thật với bạn, tôi đến với chương trình nhân kỷ niệm ngày sinh nhật lần thứ 80 của nhà thơ Xuân Quỳnh nhưng thần tượng trong lòng tôi, người tôi ngưỡng mộ là nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Tôi biết chắc chắn khi đến với đêm thơ – nhạc – kịch "Hoa cúc xanh" sẽ được nghe thơ Lưu Quang Vũ và những dòng viết của nhà viết kịch tài ba này.
Nghệ sĩ nào hay phân đoạn nào trong đêm thơ – nhạc – kịch "Hoa xúc xanh" đã lấy đi của chị những giọt nước mắt?
- Nghệ sĩ khiến tôi xúc động mạnh nhất trong đêm thơ – nhạc – kịch "Hoa cúc xanh" là NSƯT Đỗ Kỷ. Bởi trong quá trình NSƯT Đỗ Kỷ thể hiện trên sân khấu, tôi tưởng tượng như nhà viết kịch Lưu Quang Vũ còn sống trong khi tôi vẫn là một cô bé. Thời điểm đó, tôi không có điều kiện được gặp nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, tôi chỉ "gặp gỡ" ông qua tác phẩm "Nàng Sita" qua vô tuyến tôi đi xem nhờ.
Công chúng biết đến Lưu Quang Vũ với tư cách là tác giả của gần 50 vở kịch, trong đó có nhiều tác phẩm kinh điển. Khi đọc và tìm hiểu sâu về Lưu Quang Vũ, tôi thấy những vở kịch của ông có sự khác biệt như chính tâm hồn thi ca của ông. "Bàn tay em luôn đỏ lên vì giặt giũ mỗi ngày" là câu thơ mà tôi thường thấy mỗi ngày trong chính cuộc sống hàng ngày của mẹ tôi, của tôi. Thú thật là tôi có máy giặt nhưng vẫn phải vò quần áo bằng tay tôi mới tin là sạch.
Khi NSƯT Đỗ Kỷ thể hiện những dòng thư viết của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ khiến tôi cảm nhận tất cả không còn là dòng thư viết của người chồng viết cho vợ. Tất cả đều mang tâm thế thời đại của người nghệ sĩ không hề bi quan, không hề bị ghì bởi áo cơm, những tầm thường nhỏ nhặt mà là một khát vọng cống hiến, sự đắm say, lúc nào cũng muốn hối thúc bản thân và mọi người làm những điều đẹp đẽ. Điều đó khiến tôi rất xúc động, đó cũng chính là khát vọng của tôi.
Với tôi, bất cứ lúc nào, từ thời thanh xuân cho đến hiện tại ở tuổi 43, tôi vẫn luôn xúc động khi đọc về Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh.
Hai tài năng lớn trong căn phòng nhỏ
Vì sao nhà thơ Vi Thùy Linh lại thần tượng và ngưỡng mộ nhà viết kịch Lưu Quang Vũ?
- Tôi nghĩ, tác phẩm của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ hay không chỉ bởi tính dự báo, tính thời đại, tính thời sự được phản ánh mà trong những tác phẩm đó có chất thơ. Chất thơ ở đây không phải là lời thơ hay những câu thơ được gửi trong thoại của nhân vật mà chất thơ ở trong chính tâm hồn đẹp đẽ của ông. Niềm tin vào tương lai ngay cả trong dự báo với những xô bồ đầy cay đắng, đầy thiếu thốn thì Lưu Quang Vũ vẫn chất chứa, đầy tràn chất thơ. Và chính chất thơ ấy làm cho ông trở nên khác biệt.
00:02:41
Nhà thơ Vi Thùy Linh: “Xuân Quỳnh là một đại dương của yêu thương”. (Nguồn clip: Mỵ Lương)
Kịch của Lưu Quang Vũ không phải kịch tả thực mà tác phẩm có chất thơ để đi đến tương lai, chất thơ để ước vọng. Cho nên, đến bây giờ khi nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã ra đi 34 năm nhưng những mùa thu, mùa kịch của Lưu Quang Vũ tại Nhà hát Tuổi trẻ vẫn là nơi công chúng tìm đến.
Khán giả không chỉ vì muốn gặp lại thanh xuân của mình mà vì họ muốn sống lại, để được sống tiếp, để được thấy một dĩ vãng phía trước, một tương lai có thể hiển trong ngày hôm qua. Đó là điều kỳ diệu của Lưu Quang Vũ.
Lưu Quang Vũ đối với tôi là một nhà thơ lớn. Bởi vì ông đã sống qua thời đại của mình bằng sự thành thật cho nhiều con người. Ở ông có sự khác biệt ngay từ khi nhiều người "đồng phục tư duy" còn ông đã "solo" ý nghĩ. Lưu Quang Vũ khác biệt và riêng biệt và vì vậy sức sống của ông là thi ca thanh xuân.
Đều là những người phụ nữ thì chắc hẳn nhà thơ Vi Thùy Linh và nhà thơ Xuân Quỳnh có sự đồng điệu ít nhiều về cảm xúc. Vậy chị cảm nhận thế nào về con người của nhà thơ Xuân Quỳnh trong tình yêu, cuộc sống và trong những tác phẩm nghệ thuật của Xuân Quỳnh để lại cho đời?
- Nhiều người vẫn nói "Xuân Quỳnh gắn với hình ảnh tảo tần của người bà, người mẹ, người vợ, người phụ nữ Việt Nam hy sinh, chịu khó". Tuy nhiên, tôi nghĩ tất cả những điều này chỉ là góc nhìn hẹp về nhà thơ Xuân Quỳnh. Với tôi, Xuân Quỳnh không chỉ mang vóc dáng người đàn bà tảo tần mà Xuân Quỳnh là một nghệ sĩ lớn trong hình vóc của một người đàn bà. Hai nghệ sĩ tài năng có một đại dương ở chính trong chính căn nhà 6m2 chật chội gồm 5 người sống cùng nhau.
Xuân Quỳnh là một đại dương lớn trong tình yêu thương, trong khát vọng thi ca nên mới sáng tạo ra những tuyệt tác như: Sóng, Thuyền và biển…
Tôi không chắc rằng, nếu bi kịch là vụ tai nạn giao thông năm đó không xảy đến với nhà thơ Xuân Quỳnh thì bà có sống được đến tuổi 80 hay không.
Tuy nhiên, có điều tôi biết chắc chắn rằng, thi ca của nhà thơ Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ là thi ca thanh xuân, là thi ca không căn cứ vào căn cước, không căn cứ vào tuổi sinh học của họ.
Chỉ tiếc một điều, chương trình có chút gợn, đó là một ca sĩ trẻ hát bài "Thơ tình cuối mùa thu" nhưng cũng giống rất nhiều ca sĩ khác, vẫn hát nhầm 1 chữ quan trọng. Theo đó, hát đúng phải là "Mùa thu vào hoa cúc"...